Ngày 23/11, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tuyên bố quyết tâm "ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa cực đoan," sau khi có báo cáo rằng các phần tử cực đoan Hồi giáo đang có kế hoạch biểu tình gây bất ổn cho chính phủ.
Tổng thống Widodo đã tổ chức các cuộc đàm phán với một đối tác liên minh cao cấp tại Dinh Tổng thống, một trong hàng loạt cuộc họp với các quan chức chính trị, tôn giáo và quân sự hàng đầu, nhằm cho thấy tinh thần đoàn kết của chính phủ cũng như sự ủng hộ của lực lượng an ninh.
Trả lời báo giới sau cuộc đàm phán trên, ông Widodo nhấn mạnh: “Chính phủ quyết tâm ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa cực đoan ở đất nước này."
Trước đó, phát biểu tại một sự kiện có sự tham dự của các lãnh đạo ngân hàng, các nhà đầu tư, và các giám đốc điều hành công ty hàng đầu, Tổng thống Widodo trấn an rằng tình hình chính trị gần đây có chút nóng lên là điều bình thường khi thời điểm cuộc bầu cử địa phương tại Jakarta đến gần. Ông nói thêm rằng lạm phát và tăng trưởng đều phù hợp với mục tiêu của chính phủ.
Giới chức Indonesia cho biết đã có sự cảnh báo trong chính phủ kể từ khi hơn 100.000 người, được dẫn dắt bởi các lực lượng Hồi giáo cực đoan, xuống đường tạo nên một cuộc biểu tình lớn ở Jakarta vào ngày 4/11 vừa qua, đòi cách chức Thị trưởng thành phố Jakarta, Basuki Tjahaja Purnama, vốn là người theo đạo Cơ đốc và bị cáo buộc tội báng bổ kinh Koran.
Cuộc biểu tình ban đầu diễn ra trong hòa bình nhưng sau đó biến thành xung đột khi người biểu tình đốt xe cảnh sát, ném đá, chai lọ ở trung tâm thành phố. Ít nhất hai xe tải của cảnh sát đã bị đốt cháy, một người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, trong đó có cảnh sát.
Ngày 21/11 vừa qua, Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Indonesia Tito Karnavian cảnh báo về một cuộc biểu tình lớn khác dự kiến diễn ra vào ngày 2/12 tới tại khu vực trung tâm thủ đô Jakarta với tên gọi “Lễ cầu nguyện trên đường phố.”
Vụ việc xuất phát từ các chiến dịch vận động tranh cử ở Pulau Seribu, khi ông Purnama tố cáo các đối thủ của ông sử dụng một đoạn trong Kinh Koran có nội dung rằng người Hồi giáo không nên chọn người không thuộc đạo Hồi làm người lãnh đạo nhằm lừa gạt người dân bỏ phiếu chống lại ông. Sau đó, ông Purnama đã xin lỗi về tuyên bố trên của mình, đồng thời khẳng định ông chỉ trích các đối thủ chính trị đã sử dụng mánh khóe này, chứ không chỉ trích Kinh Koran./.