Tổng thống Nga đặt nghi vấn về nguyên nhân biến đổi khí hậu toàn cầu

Tổng thống Nga cho rằng sự thay đổi trục quay của Trái Đất hoặc quỹ đạo của nó xoay quanh Mặt Trời cũng có thể khiến hành tinh của chúng ta đối mặt với những thay đổi nghiêm trọng về khí hậu.
Tổng thống Nga đặt nghi vấn về nguyên nhân biến đổi khí hậu toàn cầu ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp báo thường niên tại Moskva ngày 19/12. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 19/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định "không ai biết" nguyên nhân của biến đổi khí hậu toàn cầu, đồng thời cho rằng biến đổi khí hậu có thể là một tiến trình vũ trụ học.

Tuyên bố trên dường như đặt nghi vấn về việc liệu sự nóng lên của Trái Đất có phải do con người gây ra hay không.

Trả lời báo giới trong cuộc họp báo thường niên cuối năm tại Trung tâm Thương mại Quốc tế ở thủ đô Moskva, ông Putin nói: "Chúng ta đều biết rằng trong lịch sử Trái Đất, có những thời kỳ nóng lên và lạnh đi, và điều đó phụ thuộc vào các quy trình của vũ trụ."

Tổng thống Nga cho rằng sự thay đổi trục quay của Trái Đất hoặc quỹ đạo của nó xoay quanh Mặt Trời cũng có thể khiến hành tinh của chúng ta đối mặt với những thay đổi nghiêm trọng về khí hậu. Tuy nhiên, ông Putin thừa nhận biến đổi khí hậu là vấn đề lớn và "chúng ta phải nổ lực tối đa để bảo đảm khí hậu sẽ không thay đối tới mức tham họa."

[Mô hình khí hậu mới cho thấy Trái Đất đang nóng lên rất nhanh]

Ông Putin cũng thừa nhận mức tăng nhiệt độ ở Nga cao hơn 2,5% so với các nơi khác trên thế giới và đây là vấn đề rất nghiêm trọng của Nga, dù mức khí thải của Nga thấp hơn một số nước phương Tây.

Tổng thống Putin tuyên bố sẽ nỗ lực hết sức để giảm thiểu các tác động của biến đối khí hậu đối với nước Nga.

Nga là quốc gia có lượng khí thải lớn thứ 4 trên thế giới. Hồi tháng 9 năm nay, Nga tuyên bố sẽ thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, sau khi Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ký một sắc lệnh thể hiện sự ủng hộ của Chính phủ Nga đối với thỏa thuận này.

Chính phủ Nga nhấn mạnh mặc dù không chính thức gọi là "phê chuẩn," song sắc lệnh này thể hiện sự thông qua của Nga đối với hiệp định và sự đồng thuận đối với các nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp định.

[Chuyện kỳ lạ ở nước Nga: người dân Moskva đón Giáng sinh không tuyết]

Theo Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu, các nước trên thế giới đã đề ra những mục tiêu nhằm làm giảm lượng khí thải để hạn chế nhiệt độ Trái Đất ấm lên ở mức dưới 2 độ C hoặc ở mức lý tưởng nhất là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc cảnh báo rằng thậm chí toàn bộ các nước trên thế giới đạt được mục tiêu đặt ra thì nhiệt độ của Trái Đất sẽ vẫn tăng từ 2,9-3,4 độ C.

Do vậy, để duy trì nhiệt độ Trái Đất ở mức 2 độ C, các nước cần tăng gấp 3 các mục tiêu về cắt giảm lượng khí thải hiện nay và tăng gấp 5 lần các mục tiêu để duy trì nhiệt độ toàn cầu 1,5 độ C.

Tuy nhiên, tại Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) vừa diễn ra tại Madrid (Tây Ban Nha), các nước chỉ thừa nhận "nhu cầu cấp thiết" đối với các những kết mới về cắt giảm khí thải carbon, mà chưa đưa ra bất kỳ con số cụ thể nào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục