Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres vừa kêu gọi tăng cường sự hiện diện hiệu quả của châu Phi tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhằm đảm bảo "uy tín và tính hợp pháp đầy đủ" của tổ chức này.
Phát biểu tại cuộc tranh luận cấp cao về "Giải quyết bất công lịch sử và tăng cường sự đại diện hiệu quả của châu Phi tại Hội đồng Bảo an" ngày 12/8, ông Guterres nhấn mạnh Hội đồng Bảo an là nền tảng của hòa bình và an ninh toàn cầu từ năm 1945, nhưng hiện đang đối mặt với nhiều thách thức.
Tổng thư ký Liên hợp quốc chỉ ra rằng thế giới đã thay đổi, nhưng thành phần của Hội đồng Bảo an "không theo kịp."
Ông khẳng định: "Chúng ta không thể chấp nhận việc cơ quan hòa bình và an ninh hàng đầu thế giới lại thiếu tiếng nói thường trực cho một châu lục có hơn một tỷ người, chiếm 28% số thành viên của Liên hợp quốc".
Ông Guterres nhấn mạnh châu Phi không được đại diện đầy đủ trong các cấu trúc quản trị toàn cầu, nhưng lại phải đối mặt với nhiều thách thức mà các cấu trúc này được thiết kế để giải quyết.
Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết thêm, thông qua Khuôn khổ chung Liên hợp quốc-Liên minh châu Phi về Quan hệ đối tác tăng cường trong hòa bình và an ninh, Liên hợp quốc đang nỗ lực giải quyết các thách thức phức tạp trên lục địa, từ Cộng hòa Trung Phi đến Somalia, Sahel và cuộc khủng hoảng ở Sudan.
Ông cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các quốc gia châu Phi trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Gần một nửa các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc được tổ chức tại châu Phi, và hơn 40% lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là người châu Phi.
Ông Guterres nói: "Tuy nhiên, những nỗ lực và đóng góp của châu Phi không được đại diện tương xứng. Đảm bảo uy tín và tính hợp pháp đầy đủ của Hội đồng Bảo an có nghĩa là phải lắng nghe những lời kêu gọi lâu dài từ Đại hội đồng Liên hợp quốc và nhiều nhóm địa lý khác nhau để sửa chữa sự bất công này."
Cuối cùng, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên tham dự Hội nghị thượng đỉnh tương lai vào tháng Chín và đóng góp ý kiến để "tiếng nói của châu Phi được lắng nghe, các sáng kiến của châu Phi được hỗ trợ và nhu cầu của châu Phi được đáp ứng"./.
Châu Phi có thể là đối thủ của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm toàn cầu
Tám mỏ đất hiếm ở các quốc gia như Tanzania, Angola, Malawi, Nam Phi và Uganda dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất vào năm 2029 và đóng góp 9% nguồn cung toàn cầu.