Ngày 16/9, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi thế giới chú trọng bảo vệ tầng ozone và đề cao cảnh giác với những mối nguy hại từ việc sử dụng một cách bất hợp pháp những loại khí làm suy yếu tầng ozone.
Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế bảo vệ tầng Ozone, Tổng thư ký Liên hợp quốc cho rằng thế giới đang chứng kiến thêm một năm hứng chịu những đợt nắng nóng kỷ lục, siêu bão và đó là những dấu hiệu cho thấy con người cần phải hành động ngay lập tưc trước khi quá muộn.
Ông Guterres nhận định Nghị định thư Montreal là một ví dụ cho thấy loài người có thể hợp tác để đẩy lùi những thách thức toàn cầu và là một công cụ thiết yếu để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu ngày nay.
Theo điều ước quốc tế này, các quốc gia cùng nỗ lực trong 32 năm để cắt giảm tiêu thụ các loại chất hóa học gây hại cho tầng ozone, chủ yếu trong ngành công nghiệp làm mát. Nhờ đó, tầng ozone bảo vệ loài người trước những tia cực tím gây hại của Mặt trời đã được "chữa lành."
Được các quốc gia ký kết tháng 9/1987, đây được coi là điều ước môi trường quốc tế hiệu quả nhất từng được thiết lập.
Theo ông Guterres, những nỗ lực toàn cầu là động lực quan trọng góp phần vào thành công của Nghị định thư Montreal và việc triển khai Sửa đổi Kigali sẽ là trung tâm của kế hoạch hành động vì khí hậu.
[Australia rút khỏi cam kết khu vực Thái Bình Dương về biến đổi khí hậu]
Sửa đổi được thông qua tại Kigali ngày 15/10/2016 bao gồm cam kết giảm hơn 80% lượng khí hydrofluorocarbon được sản xuất và tiêu thụ trong 30 năm tiếp theo để giúp giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Hiện loại khí này vẫn đang được sử dụng trong các hệ thống làm mát vì vậy ngoài việc thiết kế lại các thiết bị để loại bỏ dần việc sử dụng loại khí này, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng để giảm tác động khí hậu.
Liên hợp quốc cũng kêu gọi các nước xây dựng các kế hoạch hành động quốc gia để tạo ra các hệ thống làm mát hiệu quả và bền vững./.