Thành phố Hồ Chí Minh luôn hướng đến các địa phương của Lào và xem đây là thị trường chiến lược, nhiều tiềm năng để phát triển đầu tư, thương mại, du lịch.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh như trên tại Hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch vào ba tỉnh của Lào (Sanvannakhet, Bolykhamsay và Khammoun), do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức tại ngày 19/7.
Theo ông Lê Thanh Liêm, Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng có tình hữu nghị hơn nửa thế kỷ. Quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trên cơ sở đó, thời gian qua các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch vào các địa phương của Lào.
[Thúc đẩy quan hệ giữa TP.HCM và các tỉnh Trung Lào đi vào chiều sâu]
Để xây dựng quan hệ hợp tác lâu dài, hiệu quả giữa hai quốc gia nói chung, giữa các địa phương hai nước nói riêng, ông Lê Thanh Liêm kêu gọi các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tích cực tìm hiểu về cơ hội đầu tư, hoạt động tại Lào nhằm mở rộng thị trường, quy mô cho doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ nước bạn phát triển về kinh tế-xã hội.
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng mong muốn chính quyền các tỉnh của Lào nói trên tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam đến hoạt động tại đây.
Đánh giá cao các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào Lào nói chung, tỉnh Savannakhet nói riêng, ông Santiphap Phonvihane, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Sanvannakhet, cho biết hiện Việt Nam có 24 dự án đầu tư với số vốn trên 170 triệu USD và là nhà đầu tư lớn thứ ba tại Savannakhet.
Các dự án đầu tư của Việt Nam trong thời gian qua đã góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội cũng như nâng cao chất lượng đời sống người dân tại địa phương. Hiện nay, số doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tới dự án thu hút đầu tư tại Savannakhet đang có xu hướng gia tăng, các lĩnh vực đầu tư cũng không ngừng được mở rộng.
Với vị trí chiến lược trên hành lang kinh tế Đông-Tây của Lào nói riêng và khu vực ASEAN nói chung, ba tỉnh Sanvannakhet, Bolykhamsay và Khammoun đang kêu gọi đầu tư vào một số khu công nghiệp, đặc khu kinh tế trọng điểm; đặc biệt ưu tiên cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào một số lĩnh vực như công nghệ cao, chế biến nông sản, dịch vụ du lịch sinh thái, giáo dục, y tế…
Ông Bunmy Phimmason, Phó Bí thư, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Khammoun, chia sẻ Khammoun là địa phương có tiềm năng thế mạnh để phát triển ngành công nghiệp năng lượng điện và mỏ. Ngoài ra, với vị trí địa lý nằm ở trung tâm nước Lào, có hệ thống mạng lưới giao thông vận tải khá phát triển. Đây sẽ là điểm đến đầu tư mang lại hiệu quả cao cho các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp đến từ Thành phố Hồ Chí Minh.
Chính quyền tỉnh Khammoun cam kết sẽ tạo điều kiện tối đa về quỹ đất cũng như chính sách thuế để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp đến từ Thành phố Hồ Chí Minh triển khai các dự án tại địa phương.
Lãnh đạo ba tỉnh Sanvannakhet, Bolykhamsay và Khammoun mong muốn các doanh nghiệp đến từ Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch vào khu vực này nói riêng, nước Lào nói chung để tạo ra bước đột phá mới trong việc nâng cao vốn đầu tư và trao đổi thương mại, đem lại lợi ích cho các địa phương, đồng thời củng cố mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai quốc gia.
Tính đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 30 doanh nghiệp đang đầu tư, kinh doanh tại Lào với tổng số vốn hơn 250 triệu USD./.