Hỗ trợ làng nghề, doanh nghiệp địa phương mở rộng đầu ra cho sản phẩm, tăng cường kết nối đơn vị sản xuất và hệ thống phân phối là mục tiêu của Hội nghị “Kết nối nối hàng hóa giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành Đông-Tây Nam Bộ” do Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phía Nam tổ chức vào 7/11.
Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, thông qua những chính sách hỗ trợ kinh tế, hợp tác thương mại giữa các tỉnh, thành, việc tiêu thụ rau an toàn của Tiền Giang đã có nhiều thuận lợi hơn, ổn định về giá cả lẫn sản lượng tiêu thụ.
Cụ thể, Hợp tác xã rau an toàn và Tổ hợp tác rau an toàn Thuận Hòa thị xã Gò Công đã ký kết hợp đồng hợp tác với hệ thống siêu thị Metro, Công ty phân bón Lực Điền, Công ty Tấn Lộc ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, đa phần trái cây của tỉnh Tiền Giang đều tập trung về thị trường Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ hoặc cung ứng đi các thị trường trong và ngoài nước.
Nhằm phát huy hiệu quả hợp tác thương mại giữa các tỉnh, thành, đại diện Sở Công Thương tỉnh Bến Tre cho rằng, cần phải đẩy mạnh các buổi giao thương giữa đơn vị sản xuất, kinh doanh theo hướng đi vào chiều sâu.
Trong đó, tiếp tục chú trọng kết nối các doanh nghiệp thu mua nông sản, gia súc, gia cầm với cơ sở sản xuất, chủ trại, nhà vườn để tạo xây dựng mạng lưới cung-cầu hàng hóa.
Ngoài ra, các tỉnh, thành cần liên kết kêu gọi đầu tư xây dựng, khai thác hạ tầng thương mại như trung tâm hội chợ-triển lãm, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ.
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, trong thời gian tới, Sở Công Thương Hồ Chí Minh và Sở Công thương các tỉnh, thành sẽ tiếp tục thực hiện chuỗi chương trình hành động, xúc tiến thương mại nhằm hiện thực hóa Dự án hợp tác thương mại giữa các địa phương.
Đặc biệt, hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng cường phối hợp hướng dẫn doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã đáp ứng thị hiếu tiêu dùng và đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng của người dân.
Tại hội nghị, một số nhà bán lẻ, hệ thống phân phối, siêu thị như Big C, Saigon Co.op, Metro… đã ký kết hợp tác cung-cầu hàng hóa với các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc các tỉnh, thành gồm Long An, An Giang, Bến tre, Đồng Tháp.
Hội nghị năm nay gồm ba chuỗi sự kiện chính: “Hội chợ trưng bày sản phẩm địa phương,” “Hội thảo kết nối cung-cầu hàng hóa” và “Lễ ký kết hợp tác cung-cầu hàng hóa giữa các doanh nghiệp.”
Hội chợ thu hút sự tham gia tích cực của hơn 400 đơn vị bao gồm doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ truyền thống và hệ thống phân phối hiện đại đến từ 13 tỉnh miền Tây, 8 tỉnh miền Đông và một số tỉnh miền Bắc./.