Nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đưa vào hoạt động các công trình y tế kỹ thuật cao phục vụ người dân.
Đây được kỳ vọng là những trung tâm y tế chuyên sâu góp phần vào nền y tế kỹ thuật cao, y tế thông minh của thành phố.
Ngày 21/2, Bệnh viện Nguyễn Trãi khánh thành Khu điều trị kỹ thuật cao sau 2 năm xây dựng.
Bác sỹ Quách Thanh Hưng, Giám đốc Bệnh viện, cho biết trải qua hơn 130 năm hình thành và phát triển, cơ sở vật chất của bệnh viện đã trở nên xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu điều trị, phát triển y khoa hiện đại.
Ngày 19/7/2018, Khu điều trị kỹ thuật cao được khởi công xây dựng bằng nguồn vốn từ ngân sách thành phố, kinh phí phê duyệt 279 tỷ đồng.
Khu điều trị kỹ thuật cao gồm 9 tầng nổi, 1 tầng hầm, với quy mô 300 giường bệnh nội trú, tổng diện tích sàn xây dựng 17.480m2.
[TP Hồ Chí Minh kiến nghị cơ chế hợp tác công-tư trong lĩnh vực y tế]
“Khi đi vào hoạt động, Khu điều trị kỹ thuật cao thật sự trở thành điểm nhấn của Bệnh viện Nguyễn Trãi, không chỉ là một khối nhà mới thay thế cho cơ sở hạ tầng vốn đã xuống cấp mà còn là điều kiện để các thầy thuốc của Bệnh viện có cơ hội phát triển hơn nữa các kỹ thuật điều trị chuyên sâu, cung ứng các loại hình dịch vụ y tế chất lượng cao, góp phần đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân,” bác sỹ Quách Thanh Hưng chia sẻ.
Với việc đưa vào hoạt động Khu điều trị kỹ thuật cao, trong thời gian tới Bệnh viện Nguyễn Trãi sẽ phát triển các kỹ thuật chuyên sâu về tim mạch như đặt stent mạch vành và mạch máu ngoại biên; nội soi can thiệp xâm lấn tối thiểu giúp chẩn đoán chính xác các bệnh lý dạ dày, đại tràng; tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa bằng phương pháp nội soi không đau; áp dụng các thiết bị nội soi nhuộm màu điện tử, nội soi phóng đại để điều trị các tổn thương ung thư sớm.
Bên cạnh đó là các kỹ thuật điều trị chuyên sâu trong lĩnh vực ngoại khoa như cắt ung thư thực quản-tạo hình thực quản bằng phẫu thuật nội soi không mở ngực; thay khớp háng cho nhiều trường hợp hoại tử chỏm xương đùi… hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm y tế chuyên sâu, góp phần vào nền y tế kỹ thuật cao, y tế thông minh của Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước đó, Bệnh viện Nhân dân 115 cũng đưa vào hoạt động Khu chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao sau 6 năm xây dựng.
Khởi công từ tháng 7/2016, Khu chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao có tổng diện tích sàn xây dựng trên 19.000m2, tổng vốn đầu tư hơn 332 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của thành phố.
Khu điều trị này là tòa nhà gồm 10 tầng, có 2 tầng hầm riêng và đường hầm kết nối với khu vực cấp cứu, điều trị ngoại trú.
Đặc biệt, tòa nhà được quản lý theo công nghệ 4.0, có sân đáp trực thăng, kỳ vọng mở ra cơ hội cấp cứu hàng không trong tương lai.
Với việc đưa vào hoạt động Khu chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao, Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ triển khai các kỹ thuật cao như y sinh học phân tử; điều trị gene, tế bào gốc; khám tầm soát chuyên sâu chẩn đoán sớm; điều trị các bệnh lý đột quỵ, thần kinh, tim mạch, ung thư…
Ngoài hai dự án này, trong năm 2023, ngành Y tế Thành phố dự kiến hoàn thành nhiều dự án trọng điểm gồm Khối nhà ngoại khoa (Bệnh viện Nguyễn Trãi), Bệnh viện Phục hồi chức năng-Điều trị bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Pháp y, Trung tâm Sơ sinh và các chuyên khoa khác, Khối điều trị ngoại khoa (Bệnh viện Nhi đồng 1).
Đặc biệt, vào cuối năm 2023, ba dự án bệnh viện khu vực cửa ngõ trọng điểm dự kiến sẽ hoàn thành gồm: Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện huyện Hóc Môn và Bệnh viện huyện Củ Chi./.