Ngày 21/5, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố chính thức vận hành hệ thống kết nối liên thông tổng đài khẩn cấp 113, 114, 115, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố.
Sau một thời gian hoạt động thử nghiệm (từ ngày 6/2 vừa qua), đến nay hệ thống đã hoạt động ổn định, thông suốt 24/24 giờ. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai hệ thống này.
Hệ thống kết nối liên thông tổng đài khẩn cấp được Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an thành phố, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh xây dựng hệ thống, sử dụng hạ tầng truyền dẫn của VNPT Thành phố Hồ Chí Minh.
Hệ thống bao gồm tổng đài chính tại trung tâm 113-114-115-Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố và hơn 40 tổng đài tại khu vực các quận, huyện của các đơn vị phòng cháy chữa cháy, cảnh sát phản ứng nhanh, trung tâm cấp cứu.
Khi có cuộc gọi báo tin, dù thông tin đó liên quan đến an ninh trật tự, hỏa hoạn, thiên tai hay cấp cứu y tế, người trực tổng đài đều tiếp nhận thông tin và chuyển đến cơ quan có chức năng để nhanh chóng tiếp cận và tổ chức, phối hợp ổn định trật tự, cứu nạn, cứu hộ. Ví dụ, khi cần báo sự cố về an ninh trật tự, nhưng người dân báo nhầm vào số 114, cảnh sát cứu hỏa phải xử lý kết nối để đưa cảnh sát cơ động đến kịp thời mà người báo không cần phải bấm gọi lại số 113.
Hoặc gặp trường hợp phải cấp cứu, nhưng người báo gọi vào số 113, đơn vị cảnh sát phản ứng nhanh sẽ kết nối với bộ phận cấp cứu điều xe cứu thương đến nhanh nhất mà không cần phải bấm gọi lại vào số 115. Bên cạnh tổng đài liên thông này, hệ thống tổng đài đúng tuyến cảnh sát phản ứng nhanh 113, cảnh sát cứu hỏa 114, cấp cứu y tế 115 vẫn hoạt động bình thường như trước đây.
Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết việc triển khai hệ thống này góp phần cụ thể hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Cũng theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, không phải người dân nào cũng nhớ chức năng chính xác của các số điện thoại khẩn cấp. Vì vậy, việc đưa vào vận hành hệ thống kết nối liên thông các tổng đài khẩn cấp sẽ giúp rút ngắn thời gian báo tin của người dân khi gặp sự cố, qua đó giúp cơ quan chức năng triển khai lực lượng tới ứng cứu kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại.
Trước đó, ngày 6/2 vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chính thức vận hành đầu số 1.022, thay cho tổng đài (08) 39111333 trước đây (nhằm tiếp nhận thông tin sự cố về hạ tầng kỹ thuật đô thị như gãy, đổ cây xanh, lún sụt mặt đường, hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng công cộng bị hư hỏng, ngã, gãy cột điện, chất lượng xe buýt…).
Còn đầu số 1087 (tiếp nhận thông tin, phản ánh của khách du lịch và thực hiện chức năng quảng bá du lịch của thành phố về thông tin du lịch); trong đó, tổng đài 1087 sẽ cung cấp thông tin bằng hai ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Anh./.