TP Hồ Chí Minh tăng cường hỗ trợ thúc đẩy nông nghiệp đô thị

Đoàn công tác Hội đồng Nhân dân Thành phố đã có chuyến khảo sát về phát triển danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực và phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn huyện Củ Chi.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh nghe ông Nguyễn Văn Thủy, chủ trại cá cảnh ở Tổ 7, ấp Cây Trôm, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh nghe ông Nguyễn Văn Thủy, chủ trại cá cảnh ở Tổ 7, ấp Cây Trôm, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho người sản xuất nông nghiệp phát triển các sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp và thúc đẩy nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại buổi khảo sát của đoàn công tác Hội đồng Nhân dân Thành phố về “Kết quả thực hiện việc phát triển danh mục sản phẩm chủ lực, trọng tâm là sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp” và “Phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh,” ở huyện Củ Chi, ngày 26/5.

Khảo sát thực tế tại một số hộ gia đình sản xuất cây cá cảnh, hoa lan… tại địa bàn, bà Nguyễn Thị Lệ cho rằng huyện Củ Chi cần tăng cường hơn nữa hiệu quả hỗ trợ các chủ trang trại, hợp tác xã trên địa bàn về vốn đầu tư, cũng như các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Cùng đó, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng cần đề án nghiên cứu sản xuất giống hoa lan, tiến tới tự chủ nguồn cung giống hoa cho các hợp tác xã, hộ trồng lan trên địa bàn thành phố.

"Các sở, ngành liên quan như Sở Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở khảo sát, đánh giá chung thực trạng địa bàn cần nghiên cứu quy định pháp luật để báo cáo, tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố có các chính sách, chủ trương phù hợp, đồng bộ, tạo cơ sở và điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, trang trại sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững," bà Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.

Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi cho biết huyện đang triển khai Dự án phát triển bền vững đàn bò trên địa bàn Củ Chi giai đoạn 2018-2022 và Dự án hoàn thiện và mở rộng chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn huyện Củ Chi đến năm 2020.

Đến nay, trên địa bàn có 3.465 hộ chăn nuôi bò sữa với tổng đàn hơn 56.000 con, với hơn 25.000 bò cái sinh sản đang khai thác trung bình 300 tấn sữa/ngày. Ngoài ra, có 1.666 hộ chăn nuôi lợn với hơn 83.000 con, chiếm khoảng 60% tổng đàn toàn thành phố; có 3.000ha gieo trồng rau an toàn, 979ha hoa cảnh...

[TP.HCM: Để mãi xứng danh là thành phố mang tên Bác, thành phố anh hùng]

Toàn huyện có 35 Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp với tổng sản lượng rau, củ, quả cung cấp cho thị trường khoảng 12 tấn/ngày qua hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, góp phần đảm bảo nguồn lương thực an toàn cho người tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Trong hai năm 2019-2020, huyện Củ Chi đã hỗ trợ lãi vay cho 260 hộ gia đình thực hiện các dự án chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị với tổng số tiền hỗ trợ lên tới hơn 55 tỷ đồng. Năm 2019, Ủy ban Nhân dân huyện phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh ký kết vay vốn với 677 cá nhân, tổ chức sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn huyện với tổng vốn vay hơn 665 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quyết định của Ủy ban Nhân dân Thành phố về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thì huyện Củ Chi vẫn đang tồn tại một số vấn đề cần giải quyết.

Cụ thể như, các chuỗi sản xuất, tiêu thụ trong lĩnh vực trồng trọt, nhất là rau an toàn hoạt động chưa hiệu quả; việc ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nông dân và đơn vị thu mua chưa ổn định, bền chặt. Trong lĩnh vực chăn nuôi còn phổ biến phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán dẫn đến khó khăn khâu vệ sinh dịch tễ, đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc đảm bảo nguồn giống còn hạn chế, chưa toàn diện…

Kết quả khảo sát tại huyện Củ Chi, Cần Giờ và một số đơn vị liên quan sẽ được Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổng hợp đưa ra đánh giá về tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển Danh mục sản phẩm chủ lực theo các quyết định của Ủy ban Nhân dân Thành phố; sự tác động của chính sách đối với phát triển các sản phẩm chủ lực.

Chương trình khảo sát của Hội đồng Nhân dân Thành phố cũng ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện. Từ đó, đưa ra các đề xuất, giải pháp cụ thể thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, hướng đến phát triển nông nghiệp đô thị bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục