TP.HCM cải cách mạnh mẽ hành chính công để cải thiện môi trường đầu tư

TP.HCM xác định một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm của năm 2021 là tiếp tục cải cách mạnh mẽ nền hành chính công nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh của thành phố.
TP.HCM cải cách mạnh mẽ hành chính công để cải thiện môi trường đầu tư ảnh 1Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Năm 2020 khép lại với nhiều thách thức, bộn bề do đại dịch COVID-19.

Lần đầu tiên sau nhiều năm, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt mức tăng trưởng 1,39%. Tuy nhiên với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Thành phố đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu kép, ổn định kinh tế, phòng chống hiệu quả dịch COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội.

Đây là thành quả vô cùng quan trọng để thành phố tự tin, vững bước thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra cho cả năm 2021. Trong đó, thành phố xác định một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm của năm 2021 là tiếp tục cải cách mạnh mẽ nền hành chính công nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh của Thành phố.

Nhiều thành quả

Công tác cải cách hành chính luôn được lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, xem đây là nhiệm vụ chính trị, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các sở ngành, đơn vị.

Trong năm 2020, tiếp tục phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, cải cách hành chính của thành phố đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng và minh bạch hơn, tiếp tục thu hút làn sóng đầu tư trong và ngoài nước đến thành phố.

[Thu ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh tăng nhẹ trong tháng đầu năm]

Năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, ban hành 51 quyết định phê duyệt 936 quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính; triển khai 454 thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 384 thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; thực hiện có hiệu quả việc thay đổi phương thức làm việc của cán bộ công chức, viên chức, người lao động đảm bảo phù hợp với công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Thành phố đã tiếp nhận hơn 12,37 triệu hồ sơ thủ tục hành chính, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 99,3%. Nhờ đó, tỷ lệ hài lòng về thái độ, chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức qua các thiết bị đánh giá hài lòng đặt tại các đơn vị đạt 98,86%.

Những cải cách hành chính đã góp phần không nhỏ vào mức tăng trưởng kinh tế 1,39% của thành phố trong năm 2020.

Nhiều lĩnh vực cũng đạt mức tăng trưởng như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, vận tải kho bãi, tài chính ngân hàng, kinh doanh bất động sản. Riêng giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao năm 2020 của Khu Công nghệ cao đạt gần 21 tỷ USD, tăng 23,3% so với năm 2019.

Trong năm 2020 mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng vẫn có 46 đoàn doanh nghiệp trong và ngoài nước đến thành phố tìm hiểu về môi trường đầu tư và trao đổi về các hoạt động xúc tiến thương mại.

Thành phố đã cấp phép thành lập mới gần 41.000 doanh nghiệp với số vốn đăng ký gần 1,2 triệu tỷ đồng. Hiện tổng số doanh nghiệp còn trên hệ thống quản lý đạt gần 446.500 doanh nghiệp với số vốn đăng ký khoảng 7,5 triệu tỷ đồng.

Đối với đầu tư FDI, mặc dù giảm tới 47,49% so với năm 2019 do đại dịch COVID-19 nhưng cả năm 2020 thành phố vẫn thu hút được 4,36 tỷ USD của doanh nghiệp FDI.

Hiện nay trên địa bàn thành phố có gần 10.000 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn đạt gần 48,2 tỷ USD.

Ngay từ đầu năm 2021, mặc dù đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh vẫn có nhiều điểm sáng khi hầu hết các nhóm ngành duy trì mức tăng trưởng như kim ngạch xuất khẩu (tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2020), chỉ số sản xuất công nghiệp (tăng 34,5%), bốn ngành công nghiệp trọng yếu (tăng 43,7%). Thành phố có 3.309 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 119,58%)...

Điều này có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề để cả Thành phố vững tin bước vào năm 2021, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra, trong đó có việc thực hiện chủ đề năm 2021 là năm “Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư.”

Tiếp tục tạo môi trường đầu tư hấp dẫn

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xác định năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, triển khai Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và Nghị quyết số 1111/NQQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2021 cũng là năm có sự chuyển dịch lớn về các dòng đầu tư trên thế giới cùng với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Trên cơ sở đó, Thành phố Hồ Chí Minh xác định chủ đề năm 2021 là năm “Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư.”

TP.HCM cải cách mạnh mẽ hành chính công để cải thiện môi trường đầu tư ảnh 2Khu Công nghệ cao, hạt nhân của Khu đô thị sáng tạo phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Để thực hiện được các nhiệm vụ nói trên, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh xác định, cải cách hành chính là chương trình nằm trong 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI đã đề ra.

Cụ thể là chương trình cải cách hành chính, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư của thành phố giai đoạn 2021-2025.

Trong 20 chỉ tiêu về kinh tế, xã hội đề ra trong năm 2021 có 2 chỉ tiêu lớn về cải cách hành chính. Cụ thể là phấn đấu đưa thành phố nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index).

Tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 91% trở lên.

Ủy ban Nhân dân Thành phố đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các sở ngành trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, chủ động xây dựng kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là các thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thành phố xác định thời hạn đối với quy trình thủ tục hành chính, xử lý hồ sơ, xác định rõ tổ chức, cá nhân thực hiện chức trách trong xử lý hồ sơ, có sự tham gia đóng góp ý kiến của tổ chức, doanh nghiệp, sự giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cũng như có chế tài xử lý vi phạm và khen thưởng.

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ của chính quyền, tăng tỷ lệ giải quyết hồ sơ thông qua dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4, tổ chức đối thoại giữa chính quyền các cấp với tổ chức, doanh nghiệp định kỳ hằng quý để kịp thời lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, lấy doanh nghiệp là trung tâm, sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả cải cách hành chính.

Đồng thời, thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thiếu trách nhiệm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư; đổi mới phương thức chuẩn bị đất cho nhà đầu tư, đổi mới mạnh mẽ trong triển khai các dự án cải tạo, phát triển đô thị theo hướng tích hợp, quản lý hiệu quả giá trị nguồn lực từ đất đai và đầu tư cơ sở hạ tầng.

Mặt khác, thành phố cũng mong muốn có sự nâng cao vai trò của hiệp hội doanh nghiệp trong liên kết phát triển, trao đổi thông tin, kinh nghiệm hoạt động và kiến nghị với Nhà nước về xây dựng chủ trương, chính sách mới, góp ý với cấp có thẩm quyền sửa đổi chính sách không còn phù hợp, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ liên quan đến thủ tục đầu tư.

Để cải cách hành chính tiếp tục chuyển biến, đem lại hiệu quả thiết thực, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu thủ trưởng các sở ngành, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận huyện thực hiện tốt các giải pháp, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, ưu tiên phát triển công nghệ số trong đổi mới sáng tạo, cải cách hành chính, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh nhằm tạo động lực để Thành phố phát triển nhanh, bền vững.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, đất đai là lĩnh vực có tỷ lệ hồ sơ trễ hạn nhiều nhất. Đây cũng là lĩnh vực nhận được nhiều phản ánh của doanh nghiệp, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài, gây tốn kém thời gian và tiền bạc của nhà đầu tư, thậm chí đẩy một số dự án vào thế “phá sản.”

Thấy rõ được thách thức này, trong thẩm quyền của mình, vừa qua lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép thành phố được thí điểm tổ chức lại Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc Ủy ban Nhân dân quận huyện thành Trung tâm Phát triển quỹ đất quận huyện.

Nếu thí điểm này được chấp thuận, thành phố sẽ rút ngắn quá trình thu hồi đất, đảm bảo tiến độ giao mặt bằng cho nhà đầu tư, tăng cường tính tự chủ của đơn vị, nhất là trong bối cảnh hiện nay có nhiều dự án chậm tiến độ liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân Thành phố ban hành kế hoạch thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2021 nhằm thực hiện chủ đề “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” với 5 mục tiêu trọng tâm, 19 chỉ tiêu cụ thể và 65 nội dung chi tiết để phân công cho các cơ quan, đơn vị thực hiện.

Đơn cử là việc tập trung triển khai kế hoạch cải cách hành chính năm 2021 đồng bộ và có hiệu quả với Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, Chương trình cải cách hành chính và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước giai đoạn 2020-2025.

Thành phố đẩy mạnh công tác khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với phục vụ của cơ quan hành chính trên toàn địa bàn.

Thành phố rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, triển khai đúng tiến độ Đề án tổ chức chính quyền đô thị, xây dựng đô thị thông minh và đưa thành phố Thủ Đức đi vào hoạt động chính thức, hiệu quả; thực hiện chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt và thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương.

Thành phố sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung những quy định không còn phù hợp đồng thời đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến, triển khai đúng tiến độ kiến trúc chính quyền điện tử, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế đặc thù cũng như tăng cường kiểm tra công vụ, quy tắc ứng xử theo hướng đột xuất...

Trong khi đó, theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố sẽ đánh giá định kỳ hàng tháng, hàng quý tình hình thực hiện và tỷ lệ giải ngân của các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách thành phố, công khai danh sách giải ngân chậm và không xét thi đua hoàn thành nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án liên quan nếu tỷ lệ giải ngân tính đến hết năm kế hoạch 2021 đạt dưới 90%.

Nhằm cải thiện rõ nét hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố theo hướng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng, đưa thành phố vào nhóm các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế-xã hội ở nhóm tốt nhất cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nhanh chóng hoàn thiện và ổn định bộ máy của thành phố Thủ Đức theo mô hình chính quyền đô thị, mở ra cơ hội tăng năng suất lao động, tăng tốc phát triển và đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế, đóng góp chung vào kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.

Thành phố tiếp tục thực hiện cắt giảm 30% thời giải quyết thủ tục hành chính, liên thông các thủ tục đăng ký kinh doanh, khởi sự kinh doanh nhằm rút ngắn thời gian gia nhập thị trường, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp và các dự án lớn trên địa bàn, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, nhà ở.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để giảm chi phí đào tạo cho doanh nghiệp, phát triển và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu.

Cùng với đó, thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh thông qua hỗ trợ về thuế, bảo hiểm xã hội, hỗ trợ tín dụng... đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ chịu tác động sâu sắc bởi dịch COVID-19 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố trong thời gian tới.

Thành phố Hồ Chí Minh đang bước vào năm 2021 với nhiều thách thức và cơ hội mới. Dù đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng với truyền thống năng động, sáng tạo, Thành phố luôn trong tâm thế chủ động, quyết tâm, nỗ lực không ngừng cải cách mạnh mẽ hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công việc.

Vì thế, người dân, tổ chức và doanh nghiệp kỳ vọng vào những đổi thay mạnh mẽ của thành phố trong thời gian tới, xứng tầm với vị trí là trung tâm kinh tế, tài chính của cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục