TP.HCM cần thêm chính sách phát huy tiềm năng tri thức kiều bào

Nhiều chuyên gia kiều bào kiến nghị TP.HCM cần có thêm nhiều chính sách và "cơ chế mở" để thu hút và phát huy tiềm năng của trí thức kiều bào.
TP.HCM cần thêm chính sách phát huy tiềm năng tri thức kiều bào ảnh 1 Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Việt Nam hiện có khoảng 4,5 triệu kiều bào đang sinh sống ở ngoài nước. Tính trên dân số hơn 90 triệu người, Việt Nam là nước có tỷ lệ Việt kiều cao nhất so với các nước trên thế giới. Đặc biệt, tiềm năng trí thức của kiều bào là rất lớn, được đánh giá là một thế mạnh của cộng đồng, nhưng hầu như chưa có chính sách khai thác hiệu quả, khiến cho sự đóng góp của Việt kiều trong công cuộc phát triển đất nước còn hạn chế.

Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại Tọa đàm “Công tác kiều bào - thực trạng và giải pháp”, do Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 25/5.

Với hơn 20 năm tham gia nhiều hoạt động của Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, giáo sư, tiến sỹ Đặng Lương Mô (kiều bào Nhật Bản) cho rằng từ nhiều năm nay, thành phố có nhiều chương trình, hoạt động dành cho kiều bào.

Tuy nhiên, hầu hết chỉ là hoạt động bề nổi, chưa thực sự kết nối cũng như phát huy tiềm năng cống hiến, đóng góp của kiều bào cho sự phát triển của thành phố. Bên cạnh đó, tuy đã có nhiều cải thiện, song vẫn còn một số thủ tục hành chính liên quan khiến nhiều kiều bào không thực sự thoải mái.

Hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh có chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ vào làm việc tại khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, viện khoa học-công nghệ tính toán và trung tâm công nghệ sinh học với nhiều hỗ trợ về thu nhập và nhà ở.

Theo tiến sỹ Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh, đây là một “cơ chế mở” để thu hút nhân tài, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Tuy nhiên, chính sách này chỉ mới áp dụng cho chuyên gia, khó áp dụng cho cán bộ khoa học đang làm việc hưởng lương theo quy định của Nhà nước, trong khi đây mới chính là lực lượng nòng cốt để xây dựng và phát triển Trung tâm. Do đó, thành phố cũng cần có “cơ chế mở” giúp cán bộ khoa học, nhất là lực lượng trẻ, có mức thu nhập phù hợp để ổn định cuộc sống, có như vậy mới thu hút và giữ chân được nhân tài, giúp nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ bền vững.

Giáo sư, tiến sỹ Võ Văn Tới, kiều bào Mỹ là người có nhiều đóng góp và đặt nền móng cho môn Kỹ thuật Y sinh ở Việt Nam cho rằng có 2 yếu tố quan trọng để thu hút chất xám là làm cho thành phố trở thành một nơi có cơ hội cho tất cả người tài, tức là phải tạo được sự hấp dẫn từ môi trường làm việc cũng như môi trường sống.

Đồng thời, thành phố phải có được những “người đi thu hút chất xám” có tài năng, bởi hiện nay hầu hết người tài về nước làm việc là dựa trên quan hệ với bên liên quan.

Riêng với đối tượng du học sinh trẻ Việt Nam đã có những thành tựu nhất định ở nước ngoài, theo Giáo sư Võ Văn Tới, có 3 điểm quan trọng để thu hút họ về làm việc là lương bổng, cơ hội thăng tiến và cơ sở vật chất cùng điều kiện làm việc. Trong đó, cơ sở vật chất cùng điều kiện làm việc là mấu chốt của sự thành công.

Các thiết bị cần thiết cho giáo dục đào tạo và nghiên cứu phải do những người này đề xuất theo nhu cầu của họ và phải được đáp ứng chính xác. Ngoài ra, họ cần có một đội ngũ nhân sự do họ lựa chọn để hỗ trợ họ làm việc. Việc đáp ứng được những điều này sẽ giúp họ thực hiện những ý tưởng sáng tạo cũng như phát huy tốt nhất tài năng của mình.

Để phát huy vai trò đóng góp của các doanh nhân Việt kiều, bà Võ Thị Thanh Tuyền, Giám đốc điều hành Hội Doanh nhân Việt Nam tại Hoa Kỳ cho hay, cần có một cơ quan Nhà nước đứng ra tập hợp, thu hút và phát huy sức mạnh của mạng lưới doanh nhân, doanh nghiệp người Việt nhằm tăng cường hợp tác, liên doanh liên kết với nhau, tìm kiếm các cơ hội đầu tư kinh doanh trong và ngoài nước; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong nước về chiến lược hội nhập và góp phần đưa nền kinh tế đất nước thâm nhập thị trường mở toàn cầu.

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để công tác kiều bào đi vào chiều sâu, hiệu quả, thành phố nên tổ chức gặp gỡ kiều bào định kỳ theo từng nhóm lĩnh vực, theo từng thị trường cụ thể để từ đó tạo cầu nối liên kết cho từng nhóm ngành doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài thành phố, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức thành viên mặt trận, nhằm chia sẻ thông tin, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục