TP.HCM: Có thể hụt thu ngân sách 20.000 tỷ đồng từ xuất nhập khẩu

Theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố trong 10 tháng qua ước thực hiện 372.708 tỷ đồng, đạt 79,4% dự toán và giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước.
TP.HCM: Có thể hụt thu ngân sách 20.000 tỷ đồng từ xuất nhập khẩu ảnh 1Hoạt động xuất nhập khẩu tại Thành phố Hồ Chí Minh sụt giảm đáng kể trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh được giao thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 469.375 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực xuất nhập khẩu vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ngành tài chính Thành phố Hồ Chí Minh dự báo thu ngân sách thành phố trong năm 2023 có thể hụt thu từ 4-5% so với dự toán được giao; trong đó chủ yếu là hụt thu từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố trong 10 tháng qua ước thực hiện 372.708 tỷ đồng, đạt 79,4% dự toán và giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Cả 3 thành phần trong tổng thu ngân sách như thu nội địa, dầu thô, xuất nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ.

Trong số đó, thu nội địa ước thực hiện 250.967 tỷ đồng, đạt 81,6% dự toán và giảm 5,2% so với cùng kỳ; thu từ dầu thô ước đạt 20.206 tỷ đồng, vượt 26,3% dự toán và giảm 16,4%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 101.529 tỷ đồng, đạt 69,6% dự toán, chiếm 27,2% tổng thu cân đối và giảm hơn 13%.

Với việc mới đạt gần 80% dự toán ngân sách được giao, ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng để hoàn thành 20% dự toán còn lại trong vòng 2 tháng nữa là rất khó khăn.

[Thành phố Hồ Chí Minh đôn đốc thu ngân sách và xử lý nợ thuế]

Bởi thông thường, thu ngân sách tháng 12 có thể đạt tối đa từ 9-10% dự toán, nhưng các tháng còn lại chỉ có thể đạt từ 6-7%.

Do đó, ngành tài chính thành phố dự báo năm nay thu ngân sách có thể hụt thu từ 4-5% dự toán (tối đa khoảng hơn 23.000 tỷ đồng); trong đó, chủ yếu là từ lĩnh vực xuất nhập khẩu của ngành hải quan với mức hụt thu khoảng 20.000 tỷ đồng.

Theo ông Minh, Sở Tài chính đã có buổi làm việc với Cục Hải quan thành phố để tìm nguyên nhân cũng như các giải pháp đảm bảo hoàn thành mục tiêu ngân sách đã đề ra. Hoạt động thu ngân sách của ngành hải quan ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng như trên cả nước bị ảnh hưởng đáng kể từ sự suy giảm của hoạt động xuất nhập khẩu.

Dù thời gian gần đây, tình hình xuất nhập khẩu đã có cải thiện, song nhìn chung các lĩnh vực xuất nhập khẩu có thuế đều ghi nhận sự suy giảm đáng kể so với cùng kỳ. Trong số đó, các mặt hàng chính làm giảm thu ngân sách nhà nước gồm xăng dầu; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép.

Để hoàn thành cao nhất kế hoạch thu ngân sách đã đề ra, lãnh đạo Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện ngành tài chính tập trung rà soát, đôn đốc thu hồi các khoản nợ thuế.

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đang có số nợ thuế tương đối lớn, trên 40.000 tỷ đồng; trong đó, đối với hải quan là gần 2.000 tỷ đồng. Do đó, việc làm thế nào để giảm nợ đọng, tăng cường số thu đang được ngành tài chính đặt ra để đảm bảo hoàn thành dự toán ngân sách trong năm nay.

Bên cạnh đó, ngành tài chính cũng sẽ tăng cường thanh kiểm tra, quản lý chặt các doanh nghiệp trong những lĩnh vực khả quan, nhất là nhóm thương mại điện tử, để đảm bảo không thất thu thuế.

Ngoài ra, đại diện Sở Tài chính thành phố cũng đề xuất các sở ngành, đơn vị trên địa bàn cần phối hợp, cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; thúc đẩy chi tiêu công, nhất trong các lĩnh vực về y tế, giáo dục, công nghệ…; đẩy mạnh các khoản thu từ đất; sắp xếp lại khu vực nhà đất công…. để tạo nguồn thu cho ngân sách.

Về phía ngành thuế Thành phố Hồ Chí Minh, để hoàn thành mục tiêu ngân sách năm 2023, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết ngành thuế thành phố sẽ tập trung bám sát chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh để triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp; đồng thời phát động phong trào thi đua nước rút 2 tháng cuối năm.

Cụ thể, ngành thuế thành phố sẽ theo dõi chặt chẽ, tiến độ kê khai của từng doanh nghiệp trọng điểm cũng như phân tích các lĩnh vực còn dư địa thu để thực hiện kịp thời các giải pháp; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách trong các lĩnh vực còn dư địa số thu hoặc có rủi cao (như chuyển giá, thương mại điện tử và cho thuê nhà) để góp phần tăng thu ngân sách.

Đối với thu hồi nợ, ngành thuế thành phố sẽ đẩy mạnh công tác cưỡng chế và thu hồi nợ thuế, nhất là các doanh nghiệp có nợ thuế cao và chây ì; đồng thời tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo, thành lập các đoàn đôn đốc nợ cũng như chống thất thu ngân sách để kịp thời thu hồi nợ thuế.

Song song đó, ngành thuế cũng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ người nộp thuế như gia hạn, miễn giảm, hoàn thuế, cải cách hành chính… để tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Về phía Cục Hải quan thành phố cũng đang tập trung triển khai các giải pháp rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn, phấn đấu thu ở các lĩnh vực, ngành nghề, doanh nghiệp... có khả năng tăng thu để bù đắp các phần giảm thu. Đồng thời, kiểm soát việc kê khai thuế của các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước; thực hiện tốt cải cách hành chính, tuyên truyền, hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế.

Trước đó, vào ngày 10/10, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, Thành phố Thủ Đức đề nghị tăng cường quản lý thu, đôn đốc thu để đạt mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2023 trong bối cảnh thu ngân sách còn gặp nhiều khó khăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục