TP.HCM: Mưa lớn gây ngập sâu, 1 người bị thương

Cơn mưa lớn kéo dài kèm theo gió mạnh tại nhiều khu vực trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh khiến nhiều tuyến đường bị ngập sâu.
Cơn mưa lớn kéo dài kèm theo gió mạnh xuất hiện vào chiều tối 4/10 tại nhiều khu vực trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh gồm khu trung tâm, các quận Bình Thạnh, quận 12, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Tân… khiến nhiều tuyến đường bị ngập nước và ùn tắc giao thông cục bộ.

Đặc biệt, vào khoảng 18 giờ ngày 4/10, trong lúc đang lưu thông trên tuyến đường Hùng Vương, khi đi ngang qua Công viên Văn Lang, quận 5, anh Hồ Ngọc Dũng, ở phường Âu Lạc A, Bình Tân đã bị một nhánh cây có đường kính hơn 20 cm bị gẫy, rơi từ độ cao hơn 15m trúng đầu và gẫy bả vai phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115.

Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước - Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cơn mưa có lượng mưa trung bình hơn 30mm và mưa lớn tập trung tại các khu vực vùng ven, ngập tại một số tuyến đường như Trần Đại Nghĩa (Bình Tân), Nguyễn Văn Quá (quận 12), Tỉnh lộ 43, đường Quang Trung (quận Gò Vấp)… bị ngập sâu từ 20-50cm.

Nguyên nhân của tình trạng ngập nước do một số tuyến đường ở khu vực thấp, đường đang sửa chữa, mưa lớn không thoát nước kịp.

Trước đó, trong hai ngày 2 và 3/10 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng liên tục xuất hiện mưa lớn làm nhiều truyến đường như Nguyễn Biểu, Hồng Bàng, Trần Hưng Đạo (quận 5), đường 3 tháng 2, Lê Hồng Phong (quận 10), Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), đường Phạm Viết Chánh, P.Nguyễn Cư Trinh (quận 1) bị ngập sau trong nước do tại khu vực này đang triển khai các dự án nâng cấp đô thị, đào đường giao thông.

Trong khi đó, ba ngày qua mưa to trên diện rộng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, nước sông Kiến Giang lên nhanh đã vượt mức báo động 3 gây lũ lớn ở hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.

Ông Đặng Thái Tôn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lệ Thủy cho biết, toàn huyện đã có gần 4.500 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước; hơn 30 nhà ở xã Hoa Thủy và thị trấn Lệ Ninh bị tốc mái; hàng chục cột điện, cột viễn thông bị nước lũ làm đổ sập; hàng chục công trình thủy lợi bị nước lũ cuốn trôi và làm hư hỏng...

Toàn bộ đường giao thông từ huyện về các xã đều bị tê liệt do bị ngập sâu trong nước từ 1,5m-2m. Hệ thống thông tin liên lạc chỉ dựa chủ yếu vào điện thoại di động. Các trường học trong huyện đã cho học sinh nghỉ học từ ngày hôm nay(4/10).

Đối phó với lũ lụt, huyện Lệ Thủy đã huy động cán bộ, chiến sỹ công an, bộ đội địa phương vượt lũ về cùng các xã tập trung tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân ở nơi ngập sâu đến nơi cao an toàn. Ngoài số lương thực, thực phẩm dự trữ trong những ngày mưa lũ, các xã bị ngập nặng như An Thủy, Phong Thủy, Xuân Thủy, Liên Thủy, Lộc Thủy còn chuẩn bị dự phòng thêm lương thực, thực phẩm để ứng cứu khi cần thiết.

Chủ tịch huyện Quảng Ninh, Nguyễn Văn Ánh đang chỉ đạo ở vùng rốn lũ của huyện cho biết, đến 15 giờ ngày 4/10, toàn huyện đã có hơn 13.000 ngôi nhà bị ngập nước sâu từ 0,8m-1,5m; có 24 ngôi nhà bị tốc mái hư hỏng nặng. Cùng với lực lượng xung kích tại chỗ, ngày hôm nay, huyện Quảng Ninh kịp thời huy động lực lượng vũ trang trong huyện về ngay các xã vùng lũ giúp sơ tán, di dời dân ở vùng lũ về nơi vùng cao an toàn.

Sáng 4/10, lực lượng cứu hộ, cứu nạn của huyện đã cứu được 12 người dân ở hai xã Võ Ninh và An Ninh đang trực sản xuất ở ngoài đồng bị mắc lụt. Hệ thống giao thông trong huyện đã bị nước lũ chia cắt. Riêng đường Quốc lộ 1A đoạn từ xã Võ Ninh đến xã Gia Ninh đã ngập sâu trong nước 1,5m. Hơn 500 xe ô tô bị mắc kẹt nước lũ phải nằm lại tại thị trấn Quán Hầu.

Như vậy, chỉ trong ba ngày mưa to trên diện rộng, đến 15g ngày 4/10 tỉnh Quảng Bình đã có bốn huyện gồm Minh Hóa, Tuyên Hóa, Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh phải đương đầu chống lũ lụt./.

Ngọc Châu, Anh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục