Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh chiều 9/2, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh nhiều trường hợp F2 trở thành F0, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, vì vậy, hoạt động điều tra truy vết phải quyết liệt, thần tốc để kiểm soát trong cộng đồng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cũng đã tham dự cuộc họp trực tuyến này.
Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết tính đến 3 giờ chiều 9/2, Thành phố Hồ Chí Minh xác định 32 trường hợp mắc COVID-19. Liên quan đến các ca bệnh này, ngành y tế đã điều tra, xác minh được 1.693 trường hợp, trong đó có 1.324 trường hợp F1, 369 trường hợp F2 và rà soát cộng đồng 5.851 người.
Hiện đã có kết quả xét nghiệm, trong đó 503 F1 âm tính, 821 đang chờ kết quả, còn 53 trường hợp F2 âm tính.
Trước thông tin từ hãng Hàng không Vietnam Airlines, 1 trong 2 trường hợp được CDC Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 sáng 9/2 là là F1 của BN1979.
Ca bệnh này sau khi biết BN1979 mắc COVID-19 đã tự cách ly tại nhà, qua điều tra, Vietnam Airlines xác định được 5 trường F1, 26 trường hợp F2 và hiện 5 trường hợp F1 vẫn đang tự cách ly tại nhà.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu cách ly tập trung ngay các F1.
Chung cư Carillon (quận Tân Bình) nơi ca bệnh sinh sống, Ủy ban Nhân dân quận đã tổ chức phong tỏa, truy vết F1, F2 và lấy tất cả các mẫu người dân theo thứ tự ưu tiên. Hiện trung tâm y tế quận và CDC Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức lấy 95 mẫu gộp (mỗi mẫu từ 3-5 bệnh phẩm).
Tại cuộc họp, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân quận 1 thông tin liên quan đến BN2005, phường Nguyễn Cư Trinh phong tỏa khu Mả Lạng, tổ chức lấy mẫu 1.900 trong cư dân thì đã có 1.600 âm tính, 4F1cũng đã âm tính, do vậy quận 1 đề xuất sau khi có kết quả toàn bộ 1.900 nếu âm tính hết thì thu hẹp phạm vi phong tỏa.
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Gò Vấp, cho biết địa phương đã lấy 976 mẫu xét nghiệm, hiện đều có kết quả âm tính.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, rất nhiều trường hợp là F2 của các ca dương tính trước đó lại trở thành F0, đặc biệt tại Gò Vấp, tình hình diễn biến dịch bệnh rất phức tạp vì vậy vẫn phải kiểm soát chặt chẽ và cách ly đúng thời hạn.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: "Việc kiểm soát trong cộng đồng nếu không chặt chẽ thì Thành phố sẽ khó kiểm soát trong thời gian tới."
"Cần phải tiếp tục rà soát lại các trường hợp F0, truy vết quá trình tiếp xúc với F1, F2- phải quyết liệt để kiểm tra truy vết yếu tố này," ông chỉ đạo.
Tại ổ dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất, đến ngày 9/2, CDC Hồ Chí Minh phát hiện 7 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, tất cả chung nhóm làm việc bốc dỡ, sắp xếp, giám sát hành lý, hàng hóa ở sân đỗ máy bay. Các ca mắc này đều được phát hiện khi CDC Hồ Chí Minh lấy mẫu tầm soát toàn bộ 8.130 nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất.
Ngoài 7 trường hợp này, CDC Hồ Chí Minh trước đó đã phát hiện 25 trường hợp nhiễm có liên quan đến nhân viên sân bay. Các ca này đã được Bộ Y tế công bố chiều 8/2 (BN2014-BN2038).
Vào chiều và tối 9/2, ngành y tế Thành phố lấy mẫu xét nghiệm người nhà của hơn 1.600 nhân viên Công ty Phục vụ mặt đất ở sân bay Tân Sơn Nhất (VIAGS) và thực hiện tầm soát 99 bệnh nhân đến khám cùng khung giờ của BN1979 tại BV Quân y 175.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết đã kích hoạt toàn bộ hệ thống dự phòng và điều trị trong toàn bộ hệ thống y tế thành phố và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế đóng trên địa bàn thành phố tập trung cho công tác chống dịch.
Cụ thể, tiếp tục khẩn trương tổ chức điều tra, truy vết người tiếp xúc với các ca bệnh COVID- 19 mới phát hiện trong cộng đồng, khoanh vùng dập dịch triệt để tại những địa điểm liên quan. Dự trữ đầy đủ các sinh phẩm, test kit xét nghiệm, phối hợp với các cơ quan Y tế đóng trên địa bàn thành phố đảm bảo năng lực xét nghiệm từ 30.000 đến 40.000 mẫu đơn trong 24 giờ (nếu thực hiện mẫu gộp 5 có thể nâng công suất lên 120.000-150.000 mẫu/ngày).
Hiện thành phố đã nâng cao năng lực lấy mẫu xét nghiệm đảm bảo xét nghiệm trên diện rộng, vừa đáp ứng yêu cầu khoanh vùng dập dịch vừa giám sát, sàng lọc các nhóm nguy cơ.
“Chúng tôi tập trung vào vấn đề mỗi trung tâm y tế có 3 đội lấy mẫu, mỗi bệnh viện có 5 đội. Năng lực lấy mẫu có thể đạt được công suất 100.000 mẫu/ngày. Nếu cần sẽ đạt 200.000 mẫu/ngày," ông Nguyễn Tấn Bỉnh thông tin.
Cũng từ sáng 9/2, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 tại khu vực có ca bệnh và áp dụng Chỉ thị 15 tại khu vực lân cận.
Vào chiều 9/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (CDC Hồ Chí Minh) đã phát đi thông báo về 33 điểm phong tỏa liên quan đến các bệnh nhân COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh tại 10 quận huyện (Quận 12, quận Bình Tân, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, quận Tân Bình, quận 1, quận 10, quận 9 cũ, quận Tân Phú, quận 3) và thành phố Thủ Đức.
33 điểm phong tỏa liên quan ca mắc Covid-19 tại TP.HCM 1. Khu phố 4, phường Trung Mỹ Tây, quận 12. |