TP.HCM: Quyết liệt triển khai giải pháp chống ngập

Theo Bí Thư Thành ủy TP.HCM, thời gian tới thành phố triển khai giải pháp quyết liệt để ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Ngày 26/10, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX được tổ chức để thảo luận và thông qua nội dung về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Chủ trì hội nghị, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy cho rằng, chương trình này được đưa ra trong thời điểm thành phố xuất hiện nhiều điểm ngập sâu hơn, diện rộng hơn. Do vậy trong thời gian tới thành phố cần triển khai giải pháp quyết liệt, tập trung cao để chuyển biến tình hình, cải thiện nâng cao đời sống người dân ở 3 lĩnh vực này.

Để thực hiện tốt yêu cầu cấp bách đề ra, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải đề nghị cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn cần quán triệt để cùng nhau thực hiện chương trình. Trong nhiều năm qua, việc phát triển đô thị trên địa bàn thành phố diễn ra rất nhanh, việc san lấp kênh rạch, bêtông hóa, quản lý sử dụng nước ngầm chưa tốt… đã góp phần làm cho tình trạng ngập nặng nề hơn. Nếu các sở-ngành, quận-huyện có biện pháp quản lý tốt, xử lý mạnh những vi phạm, sẽ hạn chế rất nhiều thiệt hại của người dân.

Ông nhấn mạnh ngay sau Hội nghị này, Ủy ban Nhân dân chỉ đạo rà soát lại ngay quy hoạch xây dựng để đạt được phát triển quy hoạch đô thị xanh, bền vững, từ đó ban hành những quy định xử lý nghiêm, răn đe đối với người quản lý và thực hiện quy hoạch không tốt.

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cũng yêu cầu các ngành làm rõ quy hoạch sử dụng đất, loại đất dành cho giao thông, cây xanh, mảng xanh, đất cho tạo dòng chảy...; giảm nhanh và chấm dứt sử dụng nước ngầm. Trong cơ cấu vốn đầu tư phát triển năm 2014, thành phố quyết tâm tập trung cho các công trình chống ngập cấp bách. Cùng với những giải pháp chống ngập, thành phố sẽ có chế tài, mức xử lý nghiêm với việc lấn chiếm sông rạch, hạn chế dòng chảy đối với cả người quản lý và vi phạm.

Những năm qua, tình hình thời tiết, thiên tai trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp và cực đoan do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, áp thấp nhiệt đới ngày càng có xu thế ảnh hưởng đến Nam Bộ gây mưa và ngập úng. Bên cạnh đó, đỉnh triều trên sông Sài Gòn luôn đạt kỷ lục năm sau cao hơn năm trước, trong 5 năm trở lại đây đỉnh triều luôn vượt mức báo động cấp III (1,50m), đặc biệt đến ngày 20/10 vừa qua đỉnh triều cường đã đạt 1,68m, tăng 28cm so với với đỉnh triều năm 2001.

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố cho biết mặc dù đến tháng Chín vừa qua thành phố đã giải quyết được 43/58 điểm ngập do mưa và 23/26 điểm ngập do triều cường, nhưng đến đợt triều cường lịch sử gần nhất vào giữa tháng 10 này, thành phố lại có tới 19 điểm ngập sâu ở mức độ từ 0,1 đến 0,44m, nhiều vùng dân cư bị ngập trong nước, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Điều này cho thấy cần phải có sự điều chỉnh trong các giải pháp chống ngập thời gian tới để phù hợp với tình hình mới.

Từ thực tế này, trong Chương trình hành động về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể đến năm 2020 và 5 giải pháp thực hiện Chương trình. Đó là tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này; ưu tiên tài chính và thu hút đầu tư; mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế.

Tại hội nghị, ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải đã báo cáo một số vấn đề về dự báo triều, mưa, lũ; tình hình thực hiện và giải pháp ứng phó, giảm ngập trên địa bàn thành phố, trong đó có nhiều giải pháp căn cơ cho nhiều điểm ngập.

Theo ông Tất Thành Cang, một trong những phương án giảm ngập hiện nay là cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch chi tiết thoát nước thành phố; quy hoạch hồ điều tiết. Đây là vấn đề rất quan trọng và cần được sự quan tâm khi phê duyệt qui hoạch chi tiết của các khu đô thị mới, bởi các khu đất được qui hoạch làm hồ điều tiết theo qui hoạch thoát nước hiện nay đa số đã không còn được giữ lại./.

Liên Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục