“TP.HCM sớm hoàn thiện phát triển ngành vi mạch”

Phó Thủ tướng yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh cần gấp rút hoàn thiện Chương trình phát triển ngành này để trình Chính phủ xem xét, hỗ trợ, phê duyệt.
Ngày 9/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã có cuộc làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh để nghe báo cáo về Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch của thành phố giai đoạn 2013-2020.

Tại buổi làm việc Phó Thủ tướng cho biết hiện nay Chính phủ đã phê duyệt 6 sản phẩm quốc gia và 3 sản phẩm dự bị, trong đó có vi mạch bán dẫn. Vì vậy, thành phố cần gấp rút hoàn thiện Chương trình phát triển ngành này để trình Chính phủ xem xét, hỗ trợ, phê duyệt.

Theo báo cáo của ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển vi mạch (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tại buổi làm việc, mục tiêu của Chương trình là nhằm tạo ra cuộc cách mạng phát triển công nghệ thông tin, chuyển từ công nghiệp phần cứng đang từ lắp ráp sang chế tạo những linh kiện trọng yếu và sản phẩm điện tử hoàn chỉnh; cung cấp các linh kiện thiết bị phục vụ an ninh quốc phòng, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển công nghiệp phần mềm thông qua các phần mềm nhúng trong vi mạch.

Chương trình là một nền tảng để xây dựng một hệ sinh thái (Eco system) cho nền công nghiệp sản xuất tại Việt Nam (thiết bị dân dụng, điện tử viễn thông, nông nghiệp…).

Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch của thành phố sẽ gồm 7 dự án, đề án là Đề án đào tạo nhân lực vi mạch; đề án ươm tạo doanh nghiệp vi mạch và hệ thống nhúng; đề án thiết kế và sản xuất thử nghiệm; đề án Design house; dự án xây dựng nhà máy; dự án phát triển thị trường vi mạch và đề án cơ chế chính sách.

Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố góp ý vi mạch bán dẫn là sản phẩm quốc gia rất cần các ngành chức năng làm rõ thêm những chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Ông Tân đề nghị cần sớm có chính sách đặc thù với chuyên gia Việt kiều (một nguồn lực quan trọng) về Việt Nam công tác vì hiện những ưu đãi chưa đủ mạnh để thu hút nguồn lực này.

Theo kinh nghiệm của các nước, chương trình phát triển công nghiệp vi mạch rất cần đầu tư công đối với đầu ra, ví dụ hộ chiếu điện tử, chứng minh thư điện tử… được sử dụng công nghệ trong nước, từ đó sản phẩm vi mạch có thị trường phát triển.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cũng cho rằng việc phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp vi mạch của thành phố là một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp công nghệ thông tin chuyển từ làm phần cứng sang làm bộ não của các sản phẩm điện, điện tử.

Đây cũng là phần lõi của công nghiệp phụ trợ cho các ngành khác phát triển, chuyển từ gia công sang nghiên cứu, từ gia công phần mềm sang sản xuất phần mềm nhúng…

Thời gian qua Chương trình thu hút được nhiều trí thức, nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia, vì vậy cần có chính sách tốt cho các nhà khoa học để thu hút nhân tài, đồng thời cần có chính sách tạo ra thị trường trong nước để ngành công nghiệp vi mạch có cơ hội phát triển.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị thành phố cần làm rõ một số vấn đề trong Chương trình, đó là xác định lợi thế khi phát triển ngành công nghiệp vi mạch trong điều kiện các nước khác đã thực hiện trước; Khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vi mạch Việt Nam với các hãng điện tử lớn trên thế giới như IBM, Sony…

Phó Thủ tướng cho rằng cần tham khảo các minh chứng như Ấn Độ, Hàn Quốc và Trung Quốc đã cạnh tranh tốt dù xuất phát điểm thấp hơn và đi sau.

Ngoài ra, ngành vi mạch cần thu hút được các chuyên gia hàng đầu của trong nước và ngoài nước, đây là điểm cốt lõi và phải có những chính sách cạnh tranh để có được nguồn lực này.

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ để sản phẩm vi mạch trong nước cạnh tranh được với các hãng lớn trên thế giới, Chương trình của Thành phố Hồ Chí Minh cần làm rõ 5 vấn đề là công nghệ lõi và công nghệ vi mạch, trong 5 năm đầu đuổi kịp thế giới hay đón đầu, nguyên tắc là không lạc hậu về công nghệ; phải thích nghi hóa cho nhóm sản phẩm đặc thù, chọn nhóm sản phẩm dịch vụ gì; cạnh tranh về thiết kế sản phẩm, trong đó có vi mạch; cạnh tranh trong quá trình sản xuất và đặc biệt là sản phẩm phải có chi phí thấp./.

An Liên Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục