TP.HCM: Tưởng niệm 38 năm ngày mất của Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Lễ tưởng niệm 38 năm ngày mất của Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh An Giang đã vinh danh những đóng góp to lớn của ông với sự nghiệp cách mạng.
TP.HCM: Tưởng niệm 38 năm ngày mất của Chủ tịch Tôn Đức Thắng ảnh 1Ông Phạm Thành Nam, Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại lễ tưởng niệm. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Ngày 29/3, Bảo tàng Tôn Đức Thắng Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ tưởng niệm 38 năm ngày mất của Chủ tịch Tôn Đức Thắng (30/3/1980-30/3/2018).

Tham dự buổi lễ có đại diện các sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh; lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang; thân tộc Chủ tịch Tôn Đức Thắng, cán bộ lão thành cách mạng và đông đảo nhân dân thành phố.

Tại lễ tưởng niệm, các đại biểu và thân tộc Bác Tôn đã dâng hương tưởng niệm đồng thời ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, những đóng góp to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng là người bạn, đồng chí thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người chiến sỹ cách mạng “gương mẫu đạo đức cách mạng, suốt đời cần kiệm liêm chính, suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.”

[Lãnh đạo TP.HCM dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng]

Trong diễn văn tưởng niệm, ông Phạm Thành Nam, Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng tại Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ đồng chí Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888 trong một gia đình trung nông, tại Cù Lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Xuất thân từ một miền quê giàu truyền thống yêu nước, từ một người thợ, Bác Tôn đã trở thành chiến sĩ cách mạng. Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã vĩnh biệt chúng ta vào ngày 30/3/1980 nhưng Người luôn sống mãi trong mỗi chúng ta, bởi Bác đã để lại cho dân tộc ta một di sản quý giá - đó là lòng yêu nước, thương dân, tình đồng chí; niềm tin sắt son vào thắng lợi của cách mạng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, tinh thần một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, đức chí công, vô tư, sự khiêm tốn, giản dị và trong sáng.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng là biểu tượng của sự nghiệp đại đoàn kết đồng bào, đồng chí; đoàn kết anh em, bạn bè quốc tế. Từ cuộc sống người thợ, rồi chốn lao tù đến khi giữ những trọng trách của Đảng và Nhà nước, Bác Tôn luôn dành tất cả tình cảm cho đồng bào, đồng chí, sẵn lòng chia sẻ những khó khăn với tất cả mọi người.

Bác Tôn Đức Thắng là người Việt Nam đầu tiên được nhận Giải thưởng Lenin “Vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc” và cũng là người Việt Nam đầu tiên được trao tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của nước ta vào tháng 8/1958.

Cùng ngày, tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang), Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang đã tổ chức Lễ tưởng niệm 38 năm ngày mất của Chủ tịch Tôn Đức Thắng - một người Cộng sản chân chính, một người lãnh đạo tài năng, kiệt xuất của đất nước.

TP.HCM: Tưởng niệm 38 năm ngày mất của Chủ tịch Tôn Đức Thắng ảnh 2Đại diện các sở, ngành tại Thành phố Hồ Chí Minh dâng hương tại lễ tưởng niệm. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Phát biểu tưởng nhớ công lao của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đối với dân tộc và quê hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh Chủ tịch Tôn Đức Thắng - một tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, là người bạn, người đồng chí trung kiên, thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

An Giang vinh dự và tự hào là quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh sẽ nỗ lực không ngừng để tiếp nối những thành quả Bác Tôn đã dày công gây dựng; xây dựng quê hương An Giang ngày càng văn minh, giàu đẹp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục