TQ chi phối thị trường than thế giới trong năm 2013

Với mức tiêu thụ than lớn nhất, khoảng 50% lượng tiêu thụ toàn cầu, năm 2013, Trung Quốc sẽ chi phối thị trường than thế giới.
Theo mạng tin "Oil price" ngày 4/1, Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất và tiêu thụ than lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 50% lượng than tiêu thụ toàn cầu.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết trong năm 2012, nguồn năng lượng than tại Trung Quốc cung cấp khoảng 70% tổng năng lượng tiêu thụ của nước này. Nhưng tỷ lệ này sẽ giảm xuống 59% vào năm 2035 do hiệu quả sử dụng năng lượng cao và mục tiêu giảm khí thải carbon của Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong năm 2013, lượng than tiêu thụ dự kiến vẫn tăng gấp đôi do mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc tăng mạnh.

Theo Hội đồng Năng lượng Thế giới, tính đến cuối năm 2011, trữ lượng than đá của Trung Quốc vào khoảng 128 tỷ tấn, tương đương 13% trữ lượng than đá toàn cầu và đứng thứ ba thế giới, sau Mỹ và Nga.

Còn sản lượng than đá của Trung Quốc đã tăng lên 3,8 tỷ tấn trong năm 2011, đưa nước này trở thành nhà sản xuất than đá lớn nhất thế giới.

Than đá đang được khai thác tại 27 tỉnh của Trung Quốc và lượng tiêu thụ than của nước này đã tăng gấp 3 so năm 2000, với hơn một nửa số than được dùng cho sản xuất điện và sưởi ấm.

Trung Quốc trước đây là một nước xuất khẩu than ròng, nhưng từ năm 2009 đã trở thành nước nhập khẩu than ròng.

Tuy Trung Quốc cần nhập khẩu năng lượng để phát triển kinh tế, nhưng họ vẫn có thể ép giá than nhập khẩu vì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu duy nhất của một số nước như Indonesia - quốc gia sản xuất than lớn nhất dành cho các nhà máy nhiệt điện.

Hiện tại Indonesia đang tìm cách mở rộng các thị trường xuất khẩu than của mình ngoài Trung Quốc khi các kho than dự trữ trong nước đầy lên khiến giá than của Indonesia giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2010.

Bart Lucarelli, Giám đốc điều hành Công ty Roleva Energy, nói rằng "các công ty Indonesia đã xuất khẩu quá nhiều than sang Trung Quốc và cần cảnh giác trước rủi ro phụ thuộc nhiều vào thị trường này. Khi điều kiện thị trường yếu kém hồi đầu năm 2012, các khách hàng mua than Trung Quốc đã buộc các nhà sản xuất Indonesia phải giảm mạnh giá than trong hợp đồng".

Tại thị trường than Trung Quốc, Indonesia cũng vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ nước ngoài như Mozambique, Angola và Kenya - những nước này đã bắt đầu xuất khẩu than sang Trung Quốc.

Trong khi đó, Mông Cổ, trước đây nhập khẩu công nghệ của Indonesia và Australia để khai thác các vỉa than của họ, hiện đã bắt đầu sản xuất và xem xét việc xuất khẩu than sang Trung Quốc.

Mỏ than Tavan Tolgoi (Mông Cổ) có thể đạt trữ lượng 7,5 tỷ tấn nếu được đưa vào khai thác đầy đủ, điều đó sẽ tăng thêm sức ép đối với tất cả các nước hiện đang xuất khẩu than sang Trung Quốc.

Mặc dù sản lượng than của Mông Cổ hiện nay mới đạt khoảng 5 triệu tấn/năm nhưng nước này có trữ lượng than lên tới 125 tỷ tấn.

Vì những lý do trên, Indonesia buộc phải bán than với giá thấp do không thể tiêu thụ hết số than mà họ sản xuất ra. Các khách hàng chính mua than của Indonesia là Trung Quốc và Malaysia.

Các quan chức Trung Quốc đã nhiều khi khẳng định ảnh hưởng của nước này đối với thị trường than quốc tế.

Do vậy Indonesia, Australia và các nước xuất khẩu than khác cũng đã phải cân nhắc, đưa ra dự báo mức giá than thấp trong năm 2013 bởi Trung Quốc đang tìm mọi cách để hạ giá than./.

Thanh Hoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục