Trà Vinh: Sản lượng đánh bắt thủy sản giảm gần 12.000 tấn

Sản lượng đánh bắt thủy sản của tỉnh Trà Vinh giảm mạnh do biến động giá cả nhiên liệu xăng dầu tăng cao trong năm và kéo dài, hàng loạt chủ tàu khai thác biển không ra khơi vì thua lỗ.
Trà Vinh: Sản lượng đánh bắt thủy sản giảm gần 12.000 tấn ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo Chi cục Thủy sản Trà Vinh thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, ước trong 10 tháng năm 2022, sản lượng đánh bắt thủy sản của tỉnh đạt gần 39.000 tấn, giảm gần 12.000 tấn so cùng kỳ năm 2021.

Ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, sản lượng đánh bắt thủy sản của tỉnh giảm mạnh, nguyên nhân chủ yếu là do biến động giá cả nhiên liệu xăng dầu tăng cao trong năm và kéo dài, hàng loạt chủ tàu khai thác biển neo đậu không ra khơi đánh bắt vì thua lỗ.

Bên cạnh đó, nghề khai thác thủy sản trên biển của tỉnh đa số là tàu có công suất nhỏ, ngư trường đánh bắt chủ yếu ven bờ. Hiện toàn tỉnh chỉ có khoảng 20% tàu đủ năng lực đánh bắt xa bờ.

[Trà Vinh: Nhiều tàu cá nằm bờ vì giá nhiên liệu tăng cao]

Tỉnh Trà Vinh có hơn 65km chiều dài bờ biển, nên có tiềm năng, thế mạnh về nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, đối với nghề đánh bắt thủy sản nhiều năm liền vẫn chưa phát triển đem hiệu quả kinh tế cao tương xứng tiềm năng.

Phần nhiều ngư dân trong tỉnh đánh bắt thủy sản theo cách truyền thống, do không có đủ nguồn vốn đầu tư hiện đại hóa phương tiện, nắm bắt làm chủ công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả đánh bắt.

Hiện nay, tỉnh Trà Vinh đang triển khai chương trình nâng cao hiệu quả nghề khai thác biển giai đoạn 2021-2025. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, đưa sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 100.000 tấn/năm, tăng 30.000 tấn so năm 2021; góp phần đưa giá trị của toàn ngành thủy sản đạt khoảng 12.000 tỷ đồng/năm.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện cho biết để thực hiện được mục tiêu nâng cao hiệu quả nghề khai thác biển, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp quan trọng về xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực đánh bắt xa bờ cho ngư dân, xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án chế biến thủy sản…

Cùng với đó, tỉnh đang hỗ trợ về nguồn vốn vay cho ngư dân từng bước hiện đại hóa tàu cá, khai thác với công nghệ tiên tiến; đồng thời, ưu tiên phát triển các tổ hợp tác đánh bắt trên biển, hợp tác xã hậu cần nghề cá trên biển để kịp thời thu mua, chế biến, tiêu thụ thủy sản theo chuỗi giá trị; đồng thời cung cấp hậu cần thiết yếu giúp các đội tàu bám biển dài ngày, nâng cao hiệu quả kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục