Trại Davis: ‘Ốc đảo cách mạng’ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

Ngay sau khi Hội nghị Paris kết thúc, Ban Liên hợp Quân sự bốn bên được thành lập tại Trại Davis (Sài Gòn) để đảm bảo các bên thi hành nghiêm chỉnh các điều khoản của Hiệp định Paris.
Một cuộc họp 4 bên tại trại Davis. (Ảnh: TTXVN)
Một cuộc họp 4 bên tại trại Davis. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 27/1/1973, sau gần 5 năm đàm phán, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết, đánh dấu thắng lợi to lớn, của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ngay sau chiến công vang danh toàn cầu ấy, Đảng đã chủ trương tiếp tục đấu tranh trên ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao, để đảm bảo các bên thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Paris. Vậy là một lực lượng đặc biệt đã đóng quân tại Trại Davis (Sân bay Tân Sơn Nhất) âm thầm đấu tranh cách mạng ngay tại sào huyệt địch.

Nhân kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris, Đại tá Đào Chí Công, nguyên sỹ quan liên lạc tại Trại Davis, chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus những chuyện ít biết tại “ốc đảo cách mạng.”

Trận địa cách mạng trong lòng địch

- Thưa Đại tá, xin ông cho biết hoạt động của Trại Davis diễn ra như thế nào sau Hiệp định Paris?

Trại Davis: ‘Ốc đảo cách mạng’ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh ảnh 1Đại tá Đào Chí Công, nguyên sỹ quan liên lạc tại Trại Davis, tham quan triển lãm về Hiệp định Paris tại Hà Nội. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Đại tá Đào Chí Công: Ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết, bốn bên gồm Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã cử ngay đại diện để thành lập Ban Liên hợp Quân sự bốn bên, nhằm thực hiện các điều khoản về quân sự mà hiệp định đã quy định (về ngừng bắn, rút quân Mỹ và chư hầu, hủy bỏ căn cứ quân sự của Mỹ và chư hầu, trao trả tù binh và tìm kiếm người mất tích...).

Ban Liên hợp Quân sự đóng tại Trại Davis - nguyên là một trại lính của quân đội Mỹ, nằm ở phía Tây Nam sân bay Tân Sơn Nhất.

[Trưng bày 200 tư liệu về 'Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử']

Phải nói rằng Đảng ta đã lường trước tình huống này từ rất sớm nên ngay sau khi Hiệp định được ký kết ngày 27/1/1973, Đảng đã điều động lực lượng cán bộ, sỹ quan lên đường làm nhiệm vụ ngày 28/1/1973. Tính đến ngày 30/4/1975, sau 823 ngày đêm dũng cảm, mưu trí, kiên cường đấu tranh với kẻ thù, lực lượng Liên hợp quân sự đã đấu tranh cách mạng, thực thi Hiệp định Paris ngay giữa trung tâm đầu não của Việt Nam Cộng hòa.

Chúng ta đã nói rất nhiều về quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Paris, song theo tôi, quá trình đấu tranh để thực thi hiệp định cũng vô cùng quan trọng mà lại chưa được biết đến một cách đầy đủ.

Trại Davis: ‘Ốc đảo cách mạng’ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh ảnh 2Lực lượng quân đội Mỹ rút quân về nước dưới sự giám sát của các thành viên Ban liên hợp 4 bên. (Ảnh: TTXVN)

- Khi mới đến Trại Davis, ấn tượng đầu tiên của ông là gì?

Đại tá Đào Chí Công: Ngay khi chúng tôi từ Hà Nội đến sân bay Tân Sơn Nhất, phía Chính quyền Sài Gòn đã gây khó khăn, yêu cầu đoàn làm thủ tục nhập cảnh. Họ ngầm khẳng định rằng Việt Nam Cộng hòa là một một quốc gia riêng. Đó là một yêu cầu vô lý, vi phạm Hiệp định Paris bởi Việt Nam là một. Chúng tôi đã kiên quyết đấu tranh trong gần 1 ngày để bác bỏ yêu cầu này.

Đến chiều 29/1/1973 thì chúng tôi đến được Trại Davis. Khu vực này gồm các dãy nhà có mái lợp fibro ximăng, bao quanh là hàng rào thép gai dày đặc. Nội thất, đồ dùng, bàn ghế hoàn toàn bằng sắt. Với cái nắng nóng của Sài Gòn, nhiệt độ trong phòng có lúc lên đến hơn 40 độ C, cộng thêm tiếng máy bay cứ 5 phút lại một chuyến suốt ngày đêm ngay sát doanh trại, khiến chúng tôi thấy rất áp lực.

Việc sắp xếp này của Việt Nam Cộng hòa chính là nhằm cô lập lực lượng của ta ở “ốc đảo” Trại Davis, ngăn không cho ta có điều kiện tiếp xúc với người dân miền Nam đồng thời chúng có thể dễ dàng kiểm soát thông tin, phá sóng, gây nhiễu thông tin liên lạc của ta.

Mũi tiến công thứ 6

- Trong điều kiện khó khăn như vậy, các chiến sỹ cách mạng đã đấu tranh như thế nào, thưa ông?

Đại tá Đào Chí Công: Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 21 (Khóa III) ngày 13/10/1973 giao nhiệm vụ trước mắt cho cách mạng miền Nam là đấu tranh trên ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao, buộc địch phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Paris về Việt Nam.

Đảng khẳng định con đường giải phóng miền Nam phải dùng đấu tranh cách mạng. Chủ trương đó là ngọn đuốc soi đường cho chúng tôi xây dựng một trận địa trong lòng địch. 

Bề ngoài, chúng tôi làm việc bình thường, tăng gia sản xuất, tập luyện thể thao, chơi bóng chuyền. Bên trong các khu nhà, chúng tôi lợi dụng tiếng máy bay lên xuống để cắt sàn nhà, đào hầm trú ẩn, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Xẻng cuốc không đủ anh em phải dùng lưỡi lê, dao găm, cọc màn bằng sắt đập dẹt làm xà beng. Thế là Trại Davis đã hình thành hệ thống hầm hào, công sự liên hoàn, có hầm chỉ huy, hầm quân y…

Trại Davis: ‘Ốc đảo cách mạng’ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh ảnh 3Đại diện đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam trong một buổi giám sát thực hiện Hiệp định Paris. (Ảnh: TTXVN)

- Ngoài các phương án quân sự, lực lượng cách mạng tại Trại Davis đã đấu tranh về chính trị và ngoại giao như thế nào, thưa ông?

Đại tá Đào Chí Công: Chúng tôi đấu tranh đòi thực hiện Hiệp định Paris, đặc biệt là việc “tống khứ” hết đội quân xâm lược khỏi miền Nam nước ta đúng thời hạn, thực hiện trọn vẹn yêu cầu của Bác Hồ "đánh cho Mỹ cút." Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp và hỗ trợ cho tiếng súng ngày càng mạnh của ta trên chiến trường, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận thế giới để tiến hành trận quyết chiến cuối cùng "đánh cho ngụy nhào," thống nhất Tổ quốc.

Hàng tuần, chúng tôi tổ chức các cuộc họp báo có sự tham gia của hàng trăm phóng viên trong nước và quốc tế. Giai đoạn này, phải khẳng định rằng vai trò tuyên truyền của các nhà báo chiến trường, các phóng viên, cán bộ Thông tấn xã Việt Nam là hết sức quan trọng. Cho đến hôm nay, Thông tấn xã Việt Nam cũng là đơn vị đang lưu trữ rất nhiều tư liệu, hình ảnh về hoạt động cách mạng tại Trại Davis.

Ở mặt trận ngoại giao, một mặt chúng ta kiên quyết buộc quân Mỹ và chư hầu phải rút khỏi nước ta, một mặt ta đấu tranh mềm mỏng, khôn khéo trước các “chiêu bài” của kẻ địch.

Chẳng hạn, Mỹ từng yêu cầu Việt Nam trao trả tù binh đang bị giam giữ tại Lào thì mới tiến hành rút quân. Đây là một yêu cầu vô lý bởi Lào là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, nằm ngoài phạm vi can thiệp của Việt Nam. Đảng ta đưa ra lập luận như vậy, song vẫn âm thầm liên hệ với nước bạn để phối hợp tiến hành việc trao trả tù binh.

Đây là một hành động nhân đạo, có tác động rất lớn đến nhân dân Mỹ và dư luận thế giới. Sự việc này không chỉ khiến cho Chính phủ Mỹ phải thực hiện lời hứa rút quân mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ sau này.

Trại Davis: ‘Ốc đảo cách mạng’ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh ảnh 4Bức ảnh các chiến sỹ cắm cờ tại Trại Davis sáng 30/4/1975. (Ảnh: TTXVN)

- Thưa Đại tá, những năm tháng đấu tranh cách mạng gian khổ tại Trại Davis đã kết thúc như thế nào?

Đại tá Đào Chí Công: Lúc 9h30, ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng được treo lên đỉnh tháp nước, chỗ cao nhất của Trại Davis. Chúng tôi ngắm lá cờ tung bay mà rưng rưng xúc động, vì hạnh phúc, vì tiếc thương những đồng đội đã ngã xuống.

Khoảng 1 tiếng sau, cờ cách mạng kéo lên tại Dinh Độc Lập. Khoảng 10h, đoàn Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh tiến vào Trại Davis họp bàn về việc tiếp quản.

Sau ngày 2/5, Thượng tướng Trần Văn Trà, Phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh vào gặp anh em trong phái đoàn đã nói: Các đồng chí là những người trực tiếp tham gia chiến dịch và là mũi tiến công thứ 6, mũi tiến công ngoại giao quân sự.

Đó là điều mà tôi còn nhớ mãi. Vậy là chúng tôi có vai trò quan trọng không kém 5 cánh quân tấn công 5 cơ quan đầu não quan trọng nhất của địch, giành lại độc lập, thống nhất non sông.

- Xin trân trọng cảm ơn Đại tá./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục