Tranh cãi Mỹ-Hàn về vấn đề chia sẻ chi phí sắp kết thúc?

Các cuộc đàm phán về vấn đề chia sẻ chi phí giữa Mỹ và Hàn Quốc diễn ra đầy căng thẳng và luôn trong tình trạng "bên miệng hố chiến tranh."
Tranh cãi Mỹ-Hàn về vấn đề chia sẻ chi phí sắp kết thúc? ảnh 1Binh sỹ Hàn Quốc và Mỹ trong cuộc tập trận chung tại Pocheon, Hàn Quốc, ngày 26/4/2017. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mạng tin nationalinterest.org đưa tin liệu tranh cãi giữa Mỹ và Hàn Quốc liên quan tới vấn đề chia sẻ chi phí duy trì lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc sắp khép lại?

Daniel R. DePetris- làm việc cho tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại Defense Priorities chuyên tập trung thúc đẩy một chiến lược lớn thiết thực để đảm bảo cho an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ- đã trả lời câu hỏi này trong bài bình luận mới đây đăng trên mạng tin The National Interest.

Dưới đây là nội dung cụ thể:

Washington và Seoul có một thỏa thuận. Hay nói chính xác hơn, bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết sẽ không bao gồm khoản chi tiêu "từ trên trời rơi xuống" mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang hy vọng có được.

Các cuộc đàm phán về vấn đề chia sẻ chi phí giữa Mỹ và Hàn Quốc diễn ra đầy căng thẳng và luôn trong tình trạng "bên miệng hố chiến tranh."

[Mỹ-Hàn Quốc không đạt thỏa thuận về chia sẻ chi phí quân sự]

Tổng thống Trump không giấu diếm việc ông cho rằng người Hàn Quốc chi tiêu keo kiệt để lợi dụng Mỹ và bỏ tiền ra ít nhất có thể để bảo đảm an ninh cho chính mình.

Trong suy nghĩ của Tổng thống Trump, Hàn Quốc là một trong số các nước giàu có nhất trên hành tinh với GDP đạt 1,6 nghìn tỷ USD, có một ngành chế tạo phát triển và một quân đội tinh nhuệ, quốc gia này cần trả thêm tiền nếu muốn quân đội Mỹ tiếp tục đồn trú trên bán đảo Triều Tiên.

Suy nghĩ này của Trump đã hình thành từ khi ông còn là "ông trùm" bất động sản ở Manhattan.

Trong một cuộc phỏng vấn với Playbook năm 1990, ông đã chỉ trích Nhật Bản, châu Âu, Saudi Arabia, và Kuwait vì "lợi dụng tất cả chúng ta."

Quan điểm của ông Trump về vấn đề này rất thẳng thắn: nếu anh có khả năng chi trả, anh bắt buộc phải trả. Không có "nếu" hay "nhưng."

Đối với người Hàn Quốc, vấn đề này không đơn giản như vậy. Logic trong các cuộc đàm phán này không nằm ở một bản cân đối tài sản, mà là về danh dự, chủ quyền quốc gia và sự công bằng.

Có một lý do giải thích tại sao, trong một cuộc thăm dò dư luận do Hội đồng các vấn đề toàn cầu Chicago thực hiện, 68% số người Hàn Quốc được hỏi muốn chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in giữ lập trường cứng rắn và đàm phán một mức tăng đóng góp thấp hơn so với yêu cầu của Tổng thống Trump.

1/4 số người được hỏi đề xuất Hàn Quốc hoàn toàn bước ra khỏi bàn đàm phán, một động thái có thể sẽ làm tăng tiếng nói của ông Moon, song chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của các nghị sỹ bảo thủ.

Gây thù hằn với đồng minh an ninh quan trọng nhất của Hàn Quốc trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội Hàn Quốc không phải là con đường mà ông Moon muốn đi, cho dù ông cho rằng quan điểm của ông Trump thật vô lý.

Tuy nhiên, ông Moon cũng không thể chấp nhận "nuốt" những phẫn uất của mình và đầu hàng Tổng thống Trump, bởi ông biết rằng cho dù đàm phán đạt được mức chia sẻ chi phí gần với con số yêu cầu của Washington thì vẫn sẽ xuất hiện những bài xã luận chỉ trích ông là người nhu nhược.

Điều may mắn là Washington dường như đang lùi bước và đánh giá lại các cuộc đàm phán này thực sự có thể đạt được điều gì.

Không ai tin rằng yêu cầu của Tổng thống Trump về việc Seoul phải tăng 400% đóng góp chi phí duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc là hợp lý.

Trên thực tế, ngay bản thân Tổng thống Trump cũng không cho rằng yêu cầu của ông sẽ được đáp ứng.

Trong các cuộc đàm phán về vấn đề cho và nhận, việc anh đập tay lên bàn đàm phán và la hét ép bên kia giao nộp 4,7 tỷ USD khó có thể coi là một cuộc đàm phán.

Cần lưu ý rằng ông Trump sắp có một cuộc bầu cử lớn, và việc đẩy một đồng minh châu Á lâu năm xuống bùn lầy chỉ vì đòi thêm vài tỷ USD sẽ là "món quà" mà ông Trump muốn trao cho bất kỳ ứng cử viên nào của đảng Dân chủ mà ông sẽ đối mặt trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Theo tờ Chosun Ilbo, Washington đã giảm con số quá lớn là 4,7 tỷ USD và dừng ở mức giữa. Seoul được cho là sẽ trả thêm 10-20% so với mức tính toán năm ngoái, cùng một cam kết mua thêm vũ khí của Mỹ- điều mà Hàn Quốc hiện đang triển khai (Seoul dự kiến sẽ chi thêm 239 tỷ USD cho quốc phòng trong 5 năm tới, phần lớn trong số này sẽ dùng để mua thiết bị quân sự của Mỹ).

Mặc dù không cho biết thêm chi tiết, song một thỏa thuận dường như đã gần hơn rất nhiều so với cách đây vài tuần, khi trưởng đoàn đàm phán của Mỹ tức giận bước ra khỏi bàn đàm phán.

Cuối cùng thì sức mạnh của bất kỳ liên minh nào không phải là vấn đề đối tác lớn hơn chi trả bao nhiêu, mà là cả hai bên có khả năng ra sao.

Trong tương lai, chính quyền của Tổng thống Trump nên dành nhiều thời gian hơn để thuyết phục Hàn Quốc tăng cường khả năng của nước này và đảm nhận phần trách nhiệm lớn hơn trong việc bảo đảm an ninh cho chính mình, và bớt thời gian tìm cách "bòn rút" tiền của Seoul./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục