Cần có cơ chế để tránh tình trạng doanh nghiệp vay vốn xong lại đem gửi ngân hàng hưởng phần trăm chênh lệch lãi suất hoặc để đáo nợ...
Đây là ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) tại phiên thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, sáng 7/1.
Cẩn trọng lạm phát, nợ công
Theo đại biểu Nguyễn Văn Huy, việc ổn định kinh tế vĩ mô là rất quan trọng, được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng nên cần đặc biệt chú ý đến vấn đề lạm phát, nợ công, thâm hụt ngân sách và duy trì ở giới hạn chấp nhận được trong một giai đoạn nhất định.
Với gói kích thích kinh tế này, đại biểu đề nghị Chính phủ cần rà soát kỹ lưỡng các đối tượng được hỗ trợ để bảo đảm khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, khả năng trả nợ trong tương lai.
“Nếu lạm phát tăng cao thì các doanh nghiệp sẽ phải chạy theo vòng xoáy vay nợ, lạm phát, lợi ích Chương trình phục hồi sẽ bị suy giảm,” ông nói.
[Không nên coi hỗ trợ là bơm tiền vào nền kinh tế]
Ngoài ra, đại biểu đoàn Thái Bình kiến nghị cơ quan chức năng phải xem xét hỗ trợ cho doanh nghiệp, lĩnh vực, ngành nghề một cách phù hợp, đáp ứng đúng nhu cầu, cũng như tính toán khả năng sức hấp thụ của ngành đó, phương pháp hỗ trợ để cân đối ngắn hạn và đầu tư phát triển lâu dài.
"Cần tính toán khi chi cho một dự án đầu tư công thì dự án đó có khả năng tác động lan tỏa, kích thích những ngành, lĩnh vực nào phát triển và có khả năng sớm hoàn thành, đặc biệt là theo xu thế phát triển sau dịch COVID-19," đại biểu Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh.
Cùng ý kiến trên, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) nhận định gói hỗ trợ gần 40.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh rất quan trọng để hỗ trợ cho các đối tượng phục hồi sản xuất.
Song vị đại biểu này cũng lưu ý việc đầu tư cần có trọng tâm trọng điểm vào các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch như ngành du lịch, vận tải hành khách, dịch vụ lưu trú, ăn uống.
Đáng chú ý, đại biểu Hải đề nghị kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn cho vay, tránh tình trạng vay không dùng vào mục đích phục hồi sản xuất mà lại mang đi đầu tư vào tài chính, bất động sản và lĩnh vực rủi ro khác sẽ gây suy giảm nền kinh tế.
Đảm bảo nguồn lực, tính hiệu quả
Tại phiên thảo luận, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cũng đánh giá cao việc ban hành các chính sách để hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp do tác động của đại dịch COVID-19.
Song theo đại biểu, một trong những nguyên tắc quan trọng của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và tất cả các Nghị quyết về phân bổ ngân sách của Quốc hội là phải bảo đảm các nguồn lực và tính hiệu quả.
Nêu quan điểm đề án cần cụ thể hóa, ràng buộc trách nhiệm nhiều hơn, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng cần chú trọng đến hiệu quả, cam kết sản phẩm đầu ra. “Với hơn 346.000 tỷ đồng, chúng ta sẽ thu được kết quả gì?” bà Mai đặt câu hỏi.
Nhấn mạnh nguyên tắc trong phân bổ ngân sách là đảm bảo nguồn lực, tính hiệu quả, kết quả đầu ra, đại biểu Mai đề nghị đề án đưa ra phải quy định rõ được kết quả nguồn lực đầu vào, hiệu quả đầu ra, bởi nếu không có cam kết cụ thể, thì khó có thước đo chính xác đánh giá kết quả.
Liên quan tới gói 346.000 tỷ đồng, theo nữ đại biểu, việc phân bổ gói này cho nhiều mục tiêu khác nhau, có những tiêu chí được phân bổ trực tiếp, có những tiêu chí thông qua các công cụ khác như thuế, hỗ trợ lãi suất.
Tuy nhiên, dù trực tiếp hay gián tiếp thì cũng cần có nguyên tắc, tiêu chí cụ thể tương ứng với từng gói chính sách. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung vào nghị quyết những nội dung cụ thể về nguyên tắc, tiêu chí tương ứng với từng chính sách.
Liên quan đến danh mục dự án, đại biểu cho rằng không cần bao quát mọi lĩnh vực đời sống xã hội, chỉ cần tập trung vào hai lĩnh vực cụ thể, đó là những ngành nghề bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh và thứ hai là những ngành nghề có ý nghĩa thúc đẩy tăng trưởng quan trọng nhất. Trên cơ sở đó, Chính phủ cần rà soát, không chấp nhận bội chi, không chấp nhận đi vay để đầu tư cho những mục tiêu chưa thực sự cấp bách.
“Về căn cứ pháp lý để thực hiện sau này, cần bổ sung thêm một số nội dung, như đối tượng áp dụng chính sách; thời hạn hoàn thành; các quy định cụ thể về trách nhiệm; quy định về thẩm quyền; lộ trình thanh toán nợ gốc và cuối cùng là những cam kết về sản phẩm đầu ra, gắn với nội dung nghị quyết,” đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu ý kiến.
Trong khi đó, đại biểu Trần Đình Văn (đoàn Lâm Đồng) nhấn mạnh đây là thời điểm "vàng" cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng thiết yếu như giao thông vận tải, tận dụng lưu lượng đi lại của khách du lịch và người dân còn ít để tạo đột phá trong kết cấu hạ tầng.
“Với định hướng đó, cần xác định tăng đầu tư công, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, từ đó tạo ra công ăn việc làm, tạo ra dịch vụ, đáp ứng yêu cầu kích cầu kinh tế,” đại biểu Trần Đình Văn đề xuất.
Đại biểu đoàn Lâm Đồng cũng tán thành với phương án chỉ định thầu trong dự thảo nghị quyết nhưng không coi là hình thức thay thế hoàn toàn đấu thầu.
Theo đại biểu, chỉ nên áp dụng đối với một số dự án và phải đưa ra tiêu chí, điều kiện cụ thể, tùy loại dự án, giới hạn thời gian áp dụng nhằm hạn chế việc chỉ định thầu tràn lan. Việc chỉ định thầu với gói thầu tư vấn và gói thầu phục vụ, gói thầu đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư có thể khả thi. Tuy nhiên, chỉ định thầu xây lắp là không cần thiết.
Ngoài ra, cho phép chủ đầu tư được quyền chọn hình thức chỉ định hay là hình thức khác, việc cho chọn quyền sẽ thúc đẩy hiệu quả và thu hút nhà đầu tư có năng lực thực sự./.