Trào lưu ‘flexing’: Làm sao để 'khoe khoang' một cách văn minh?

'Flexing' giúp các bạn trẻ đem lại động lực phấn đấu hay mượn cớ để khoe khoang đủ thứ, để thỏa mãn nhu cầu được công nhận của bản thân... tuy nhiên cũng có một số mặt trái của vấn đề này.

Thời gian gần đây, trào lưu "flexing" – hay còn được gọi là “khoe khoang” được giới trẻ Việt Nam hưởng ứng nhiệt tình. Khởi nguồn của trào lưu này được cho là xuất phát từ một phóng viên thể thao có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. Độ phủ sóng của việc "flexing" thể hiện mạnh mẽ qua một số hội nhóm được phát triển từ vài chục nghìn cho đến cả triệu thành viên hưởng ứng chỉ trong thời gian ngắn.

Không chỉ những người bình thường mà kể cả những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng cũng tham gia "flexing" và khoe từ tài năng cá nhân hay những bức ảnh chụp với người nổi tiếng đến tài khoản ngân hàng tiền tỷ hoặc thành tích học tập khủng, thậm chí là học trường xịn... Mỗi bài viết đều có hàng nghìn đến hàng chục nghìn lượt yêu thích.

Có thể thấy “flexing" thu hút được giới trẻ vì nó mang lại những câu chuyện hấp dẫn, thỏa mãn trí tò mò của số đông và ở một khía cạnh tích cực, nó tạo động lực học hành, làm việc chăm chỉ hơn cho các bạn trẻ.

["Âm thầm bớt việc", một trào lưu mới nổi của thế hệ Gen Z]

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, những người tham gia trào lưu này không tránh khỏi những tình huống bị cho là khoe khoang thái quá. Điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt giữa cuộc sống thực tế và cuộc sống "ảo" trên mạng xã hội, tạo ra áp lực và so sánh không lành mạnh.

Về vấn đề này, một chuyên gia ngành ngôn ngữ học cho rằng giới trẻ hiện nay có nhu cầu kết nối, muốn được công nhận nên khi gặp điều kiện, môi trường thuận lợi sẽ thể hiện ra một cách mạnh mẽ. Cho nên, khi "flexing" một nội dung nào đó, chủ bài viết cần chú ý đến cách truyền tải sao cho vừa thoải mái vừa đem lại sự văn minh./.

(Vietnam+)