Ngày 29/9, Đại Sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Bỉ đã tổ chức Lễ trao tặng trang phục Áo dài khăn xếp cho Manneken-Pis (Chú bé tè). Lễ trao tặng được tổ chức trang trọng tại Tòa Thị chính Thành phố Brussels, nằm trên quảng trường Grand Place. Ông Hamza Fassi-Fihri, Phó Thị trưởng phụ trách Văn hóa của Thành phố Brussels, đại diện Chính quyền thành phố đứng ra nhận bộ trang phục, với sự tham dự của Hiệp hội Những người bạn của Manneken-Pis, cùng nhiều quan khách quốc tế và đông đảo bà con Việt kiều, sinh viên. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam tặng trang phục dân tộc cho Chú bé tè - một trong những biểu tượng nổi tiếng của thành phố Brussels. Phát biểu tại buổi lễ, ông Hamza Fassi-Fihri cho rằng sự kiện tặng bộ quần áo dài truyền thống của Việt Nam cho Chú bé tè là sự kiện văn hóa quan trọng của cả Việt Nam và thành phố Brussels, đánh dấu bước phát triển trong quan hệ giữa hai bên và góp phần làm cho văn hóa của hai bên xích lại gần nhau hơn. [Tặng áo dài khăn xếp Việt cho Chú bé tè ở Brussels] Bộ trang phục Áo dài khăn xếp tặng cho Chú bé tè do Công ty Thái Tuấn thiết kế và được thực hiện trên chất liệu lụa tơ tằm, dựa trên bộ trang phục truyền thống của Liền anh Quan họ. Lễ rước bộ trang phục từ Tòa Thị chính thành phố ra địa điểm đặt bức tượng Chú bé tè gồm đoàn múa lân, nhóm Trống hội và đoàn người đi cà kheo, cùng các cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ trong trang phục áo dài dân tộc, đã thu hút sự chú ý của đông đảo người dân Brussels và các du khách.
Đây là hoạt động khai mạc Tuần lễ Văn hóa Việt Nam tại Bỉ, kéo dài từ 29/9-5/10, và cũng là hoạt động mở đầu cho hàng loạt hoạt động văn hóa do Đại Sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Bỉ chủ trì tổ chức chào mừng kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Bỉ vào năm 2013.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Bỉ, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Bỉ Phạm Sanh Châu nhấn mạnh sự kiện Việt Nam tặng trang phục dân tộc truyền thống cho Chú bé tè mang rất nhiều ý nghĩa. Chú bé tè là một địa điểm tham quan nổi tiếng và là một phần biểu tượng văn hóa của thành phố thủ đô của Vương quốc Bỉ - nơi còn được mệnh danh là "Trái tim châu Âu." Khi Chú bé tè khoác trên mình bộ quần áo dân tộc của Việt Nam là chú đã trở thành vị sứ giả quảng bá cho văn hóa Việt Nam và thể hiện sự kết hợp giữa hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Thành phố Brussels có truyền thống nhận tặng phẩm là trang phục cho Chú bé tè từ các nước và tổ chức trên thế giới, thông thường là các bộ trang phục đặc trưng dân tộc của các nước hoặc đồng phục của các tổ chức hiệp hội. Hiện nay Chú bé tè đã có gần 900 bộ trang phục, được lưu giữ tại Bảo tàng Manneken-Pis. Bộ quần áo của Việt Nam là bộ thứ 892./.
Thái Vân-Đăng Khoa/Brussel (Vietnam+)