Trên 110 triệu USD đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh mạng lưới y tế cơ sở có vai trò cực kỳ quan trọng, có tính chất nền tảng đối với công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Trần Minh/Vietnam+)
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Trần Minh/Vietnam+)

Với số tiền trên 110 triệu USD, Chương trình Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn có ý nghĩa quan trọng đối với ngành y tế trong việc từng bước nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới...

Thông tin trên được Bộ Y tế đưa ra tại Hội nghị khởi động Hợp phần I - Chương trình Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn, do Bộ Y tế tổ chức ngày 5/12 tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh mạng lưới y tế cơ sở có vai trò cực kỳ quan trọng, có tính chất nền tảng đối với công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Đầu tư nâng cao năng lực của mạng lưới y tế cơ sở, do vậy, luôn được Đảng, Nhà nước và ngành y tế coi là một trong những ưu tiên hàng đầu và vấn đề ưu tiên này một lần nữa đã được khẳng định trong Chỉ thị số 25 mới được Ban Bí thư ban hành gần đây về Tiếp tục củng cố, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh trên bình diện toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo chăm sóc sức khỏe ban đầu chính là sự lựa chọn thông minh giúp các hệ thống y tế hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Chương trình "Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn" sử dụng vốn Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) với thời gian triển khai thực hiện từ 2019 đến 2025, tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị y tế thiết yếu, đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực y tế, hỗ trợ việc đổi mới mô hình cung ứng dịch vụ y tế và cơ chế tài chính cho y tế cơ sở… tại 16 tỉnh gặp nhiều khó khăn về kinh tế xã hội.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, đây được xem là một chương trình có ý nghĩa quan trọng đối với ngành y tế trong việc từng bước nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới đồng thời cũng là nguồn lực cần thiết để các tỉnh, thành phố được thụ hưởng dự án thực hiện các nội dung liên quan đến y tế cơ sở theo tinh thần của Chỉ thị 25 và Nghị quyết 99 của Quốc hội trong điều kiện ngân sách còn chưa dồi dào.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn của Bộ Y tế, chương trình có đặc thù là quy mô nguồn vốn lớn (tổng số vốn là 110,6 triệu USD, bao gồm 88,6 triệu USD vốn vay, 12 triệu USD vốn viện trợ không hoàn lại và 10 triệu USD vốn đối ứng).

Chương trình được triển khai trên địa bàn rộng (16 tỉnh trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam) bao gồm: Tuyên Quang, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước, Sóc Trăng, Cà Mau.

y-te-co-so-5130.jpg
Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), Giám đốc dự án Ban Quản lý dự án chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn. (Ảnh: Trần Minh/Vietnam+)

Đặc biệt, Chương trình này cũng có cơ chế quản lý tương đối khác biệt so với các chương trình, dự án khác của ngành y tế. Thứ nhất, đây là chương trình y tế trao cho các địa phương quyền chủ động tối đa, theo đó các tỉnh tham gia Chương trình là chủ đầu tư Hợp phần vốn vay (là hợp phần có tỷ trọng vốn lớn nhất trong tổng vốn của chương trình và cũng là hợp phần thực hiện các hoạt động đầu tư chính của chương trình). Thứ hai, chương trình có cơ chế giải ngân theo phương thức hòa đồng ngân sách nhà nước trong khuôn khổ của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Chính những đặc thù này, đặc biệt là đặc thù về cơ chế giải ngân và quản lý chương trình đã tạo ra những thách thức chưa có tiền lệ trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mà các đại phương đã phải trải qua với nhiều khó khăn.

Theo thông tin của Ban Quản lý dự án Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở cho biết, hiệp định vay của chương trình có hiệu lực từ ngày 04/2/2020 và cho đến nay đã 3 lần được gia hạn thời gian kết thúc giải ngân của khoản vay do những khó khăn trong việc hoàn thành toàn bộ các thủ tục pháp lý cần thiết.

Sau 3 lần gia hạn Hiệp định vay, Chương trình đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đã hoàn thành rút vốn vay vào ngày 22/3/2023, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2023 cho 16 tỉnh để thực hiện.

Như vậy, sau hơn 3 năm không thể triển khai hoạt động kể từ ngày Hiệp định vay có hiệu lực do những vướng mắc về các thủ tục pháp lý/hành chính, tới nay chương trình đã chính thức bước vào giai đoạn triển khai hoạt động trong bối cảnh chỉ còn 2 năm để hoàn thành toàn bộ chương trình.

Tại hội nghị, đại diện ủy ban nhân dân, sở y tế các tỉnh, thành phố đã trao đổi, thảo luận với Bộ Y tế, Ban Quản lý dự án một số nội dung liên quan trong triển khai dự án để cùng quyết tâm thực hiện hiệu quả nguồn lực của chương trình, nhằm tạo đà cho y tế cơ sở thực hiện tốt hơn vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu trong tình hình mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục