"Treo" sân golf, nhưng "bán" địa ốc

Những dự án sân golf được “vẽ” hoành tráng bao giờ cũng đi kèm với nhà biệt thự, căn hộ, khách sạn, những “dịch vụ phụ” đi kèm như một phần tất yếu. Nhưng điều đáng lo ngại là đất đai đã làm “lóa mắt” các chủ đầu tư nên họ cố tình giữ đất, bất chấp dự án có thực hiện hay không.

Những dự án sân golf được “vẽ” hoành tráng bao giờ cũng đi kèm với nhà biệt thự, căn hộ, khách sạn, những “dịch vụ phụ” đi kèm như một phần tất yếu. Nhưng điều đáng lo ngại là đất đai đã làm “lóa mắt” các chủ đầu tư nên họ cố tình giữ đất, bất chấp dự án có thực hiện hay không.
 
Dự án sân golf Hoa-Việt 36 lỗ (quận 9) có diện tích 300 ha, được đánh giá là một trong những sân golf đẹp của Thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng xét về hiệu quả kinh doanh thì vẫn chưa có gì đáng nói.

Báo cáo hoạt động từ năm 1994 đến năm 2007 cho thấy, tổng doanh thu là 1.000 tỷ đồng nhưng khoản lỗ tích lũy từ hoạt động kinh doanh của công ty là hơn 17 tỷ đồng (từ năm 1997 đến 2005 hoạt động kinh doanh của công ty liên tục thua lỗ).

Lợi nhuận để nộp thuế của công ty này chủ yếu từ các hoạt động tài chính. Khu vui chơi giải trí (công viên nước và khu dã ngoại) diện tích 34ha nằm trong dự án sân golf Hoa-Việt do hoạt động thua lỗ đã đóng cửa từ tháng 7/2003. Sau đó chủ đầu tư xin phép chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất này xây dựng khu nhà biệt thự cho thuê và bán.

Ủy ban Nhân dân thành phố đã có công văn chấp thuận điều chỉnh quy hoạch của chủ đầu tư xây dựng nhà ở để kinh doanh với tỷ lệ 38%. Tuy nhiên, Ủy ban Nhân dân đề nghị Sở Tài chính tính toán thu tiền giá trị quyền sử dụng đất của khu đất này để thành phố xem xét và nếu không thực hiện đúng dự án trong năm 2009 thì sẽ thu hồi giấy phép.

Kết quả kiểm tra dự án sân golf đã được cấp phép trên địa bàn thành phố cho thấy, diện tích sử dụng cho sân golf chiếm khoảng 50% (724,5 ha), diện tích còn lại được sử dụng cho việc mở nhà hàng, trung tâm thương mại, biệt thự cho thuê, khu nghỉ dưỡng...

Và hiệu quả chủ yếu từ đầu tư các dự án sân golf chính là mục tiêu bất động sản đi kèm sân golf và bán thẻ hội viên, còn với việc thu phí của khách chơi golf (hiện chỉ từ 100-250 USD/ngày/lượt) thì không thể thu hồi khoản vốn đầu tư.
 
Dự án sân golf  Tourist (phường Long Trường, quận 9) thuộc Công ty cổ phần Sài Gòn cũng không nằm ngoài mục đích là kinh doanh địa ốc và du lịch. Dự án có sự góp vốn của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Công ty Dịch vụ du lịch Thủ Đức, Công ty cổ phần Địa ốc Thành Nhơn.
 
Mục tiêu của dự án này là biến 156ha đất thuộc khu vực nông trường Vườn Dừa (thuộc phường Long Trường, quận 9) thành một sân golf 18 lỗ hiện đại cùng dãy biệt thự cho thuê nhằm vào đối tượng là khách du lịch. Diện tích xây dựng biệt thự cho khách thuê lên tới 18,34 ha; chiếm 11,7% diện tích toàn dự án.
 
Trong quá trình phát triển và hội nhập, phát triển sân golf, khu nghỉ dưỡng cao cấp là cần thiết. Thế nhưng số đối tượng để phục vụ không phải là nhiều, vì chỉ những người thu nhập cao mới có thể chơi golf. Các khu vui chơi giải trí, cộng đồng dân cư xung quanh đều không hề được hưởng lợi.
 
Thống kê cho thấy cả nước chỉ có 5.000 thành viên chơi golf, trong đó chỉ có 2.000 người chơi thường xuyên, mà người Việt chỉ chiếm 10%. Trong khi đó Thành phố Hồ Chí Minh đã có đến 7 sân golf. Việc quy hoạch các sân golf đang bị phản ứng do thiếu tính toán khoa học.
 
Ví dụ điển hình là chỉ tính riêng trên địa bàn quận Thủ Đức (cũ) nay là quận Thủ Đức, quận 9 và quận 2 có đến 4 dự án sân golf chiếm tổng diện tích khoảng 660ha là điều hết sức bất hợp lý. Sự phi lý trong việc phê duyệt các dự án sân golf cũng đã được đề cập nhiều trong các kỳ họp Hội đồng Nhân dân.
 
Báo cáo của Sở Kế hoạch đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình hoạt động các sân golf cũng đã cảnh báo về việc quy hoạch sân golf thiếu hợp lý; tiến độ triển khai các dự án quá chậm gây lãng phí lớn đất nông nghiệp; hiệu quả thu lại bằng ngân sách từ các dự án sân golf chưa rõ ràng.
 
Đặc biệt là những dự án giữ đất quá lâu, năng lực tài chính chủ đầu tư hạn chế không đáp ứng được yêu cầu bồi thường, quá tiến độ cho phép thì phải có biện pháp thu hồi.

Trước tình thế có 6/7 dự án sân golf triển khai chậm, gây lãng phí lớn về đất đai, thành phố yêu cầu các quận, huyện, sở, ngành chức năng đặc biệt lưu ý: Các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư sân golf phải đảm bảo thi công và hoàn thành công trình đúng tiến độ; nếu vi phạm tiến độ thì thu hồi đất, chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư.
 
Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các ngành xem xét, đề xuất thu hồi đất, thu hồi giấy phép đầu tư ngay trong năm 2009 với các dự án sân golf là sân golf phường An Phú, sân Hiệp Bình Phước và sân Saigon Tourist.
 
Sự phát triển ồ ạt các dự án sân golf do thiếu tầm nhìn quy hoạch, nếu không ngăn chặn ngay từ bây giờ thì hậu quả sẽ khó lường. Số lượng lớn đất đai sẽ rơi vào tay một vài cá nhân, doanh nghiệp, trong khi quỹ đất thì cứ cạn dần./.
 
(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục