Trí thức, kiều bào cảm phục tấm gương vì nước vì dân của Tổng Bí thư

Trí thức, kiều bào tại nhiều nước đã bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn khi đất nước mất đi một nhà lãnh đạo xuất sắc, một tấm gương sáng về sự mẫu mực, gần gũi, tận tụy làm việc vì nhân dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với các kiều bào về quê đón Tết và dự chương trình Xuân Quê hương 2019. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với các kiều bào về quê đón Tết và dự chương trình Xuân Quê hương 2019. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Australia, Giám đốc Trung tâm Môi trường và Nước thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS), Chủ tịch Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Australia (VASEA), Giáo sư Nghiêm Đức Long cho rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại dấu ấn lớn trong lòng nhân dân và đất nước Việt Nam, là nhà lãnh đạo luôn hết lòng vì nước vì dân.

Theo Giáo sư Nghiêm Đức Long, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người giản dị nhưng rất uyên bác. Những câu nói của Tổng Bí thư rất đời thường, dễ nhớ, gần gũi, nhưng cũng rất ý nghĩa và sâu sắc. Tổng Bí thư là người cương nghị nhưng cũng rất tình cảm, luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các em nhỏ và thanh thiếu niên, ân cần hỏi han, động viên và gửi gắm niềm tin đến những “chủ nhân tương lai” của đất nước.

Giáo sư Nghiêm Đức Long nhận định ẩn sâu trong phong cách giản dị, gần gũi của Tổng Bí thư là những trăn trở vì nước, vì dân. Đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chống tham nhũng, “ngoại giao cây tre” và đổi mới sáng tạo chính là 3 trụ cột để tạo dựng nên một nước Việt Nam phồn thịnh.

Một trong những dấu ấn và di sản quan trọng nhất mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại chính là chiến dịch chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ,” qua đó đảm bảo công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế. Tất cả đều được thể hiện rõ nét trong từng bước chuyển mình của đất nước và trong đời sống của nhân dân Việt Nam những năm qua.

Chính sách “ngoại giao cây tre” cũng là một di sản quý giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hình ảnh cây tre, vốn rất thân thuộc với người dân Việt Nam, trở thành biểu tượng, bản sắc cho nền ngoại giao đất nước, đúc kết một chiến lược ngoại giao toàn diện, hiện đại, “vừa khéo léo, linh hoạt, vừa kiên định, mềm mỏng."

Giáo sư Nghiêm Đức Long cho biết là người trọng tri thức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng rất quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ trí thức và chuyên gia người Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Chính vì vậy, khi nghe tin Tổng Bí thư từ trần, rất nhiều người đã thể hiện lòng thành kính tiếc thương bằng các bài viết hoặc dòng trạng thái trên trang cá nhân.

Giáo sư Nghiêm Đức Long khẳng định dù Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra đi, nhưng những gì nhà lãnh đạo lỗi lạc cống hiến cho đất nước là mãi mãi.

Với riêng ông, để tri ân những công lao, đóng góp và cống hiến mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cho đất nước, nhân dân và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, ông tự nhắc bản thân sẽ cùng đội ngũ trí thức và chuyên gia tại Australia biến đau thương thành hành động, không ngừng nỗ lực phấn đấu, trau dồi tri thức để có thể tiếp tục góp một phần nhỏ bé xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Rome, Tổng Thư ký Liên minh chủ tịch các hội người Việt tại Italy, Chủ tịch Hiệp hội nhịp cầu văn hóa Italy-Việt Nam, đồng thời là giảng viên bộ môn tiếng Việt tại Đại học Ca’Foscari (Venice), bà Lê Thị Bích Hường bày tỏ niềm tiếc thương trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nhấn mạnh Tổng Bí thư là tấm gương về sự giản dị trong cuộc sống, dũng cảm, mạnh mẽ trong việc chỉnh đốn Đảng và là người liêm khiết, chí công vô tư.

Bà Lê Thị Bích Hường xúc động nhớ lại kỷ niệm vào tháng 5/2024 khi tham dự buổi ra mắt cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được dịch sang tiếng Italy do Đại sứ quán Việt Nam tại Italy tổ chức. Tiếng Italy là một trong 7 ngôn ngữ nước ngoài mà sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được dịch.

Bà Lê Thị Bích Hường cho biết tại sự kiện trên, các bản tham luận của nhiều độc giả, diễn giả và đại diện nhiều đảng phái tại Italy đều đánh giá cao vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về lý luận đối với các vấn đề chủ nghĩa xã hội, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bà Lê Thị Bích Hường bày tỏ niềm tự hào khi tận mắt chứng kiến sự khâm phục của bạn bè thế giới đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Kiều bào ở Thụy Sĩ cho rằng trong những năm qua, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với sự chỉ đạo sát sao, gương mẫu, có tâm, có tầm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh.

Tâm sự với phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, Tiến sỹ công nghệ thông tin Lưu Vĩnh Toàn, đang làm việc cho tập đoàn Move Digital AG ở thành phố Zurich, không giấu được sự xúc động trước tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần.

vnp_tien_sy.jpg
Tiến sỹ công nghệ thông tin Lưu Vĩnh Toàn không giấu được sự xúc động trước tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. (Ảnh: Anh Hiển/Vietnam+)

Theo Tiến sỹ Lưu Vĩnh Toàn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều cống hiến lớn, giúp nâng tầm vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, trong đó có việc đẩy mạnh các nỗ lực phòng chống tham nhũng. Công cuộc chống tham nhũng đã tạo ra niềm tin cho người dân, thể hiện hơn nữa quyết tâm làm trong sạch đất nước, trong sạch Đảng.

Bà Phạm Quý Ly, Giám đốc phát triển kinh doanh công ty công nghệ JANZZ, bày tỏ sự bàng hoàng và đau buồn khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần.

Bà hy vọng rằng “ngọn đuốc” trong công cuộc phòng chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục được thắp sáng, để khẳng định sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pretoria, Trưởng ban liên lạc cộng đồng người Việt Nam tại Nam Phi, Lê Hoài Nam cho biết khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, cộng đồng người Việt Nam tại quốc gia miền Nam châu Phi đều xúc động nghẹn ngào.

Theo ông Lê Hoài Nam, tuy cộng đồng người Việt Nam tại Nam Phi chưa có cơ hội được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm nhưng qua các phương tiện truyền thông, cộng đồng người Việt Nam tại Nam Phi luôn kính trọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng, luôn nêu cao tinh thần liêm khiết, chí công vô tư, với lối sống và phong cách làm việc giản dị. Bản thân Tổng Bí thư cũng là người dẫn đầu trong công cuộc phòng, chống tham nhũng được nhân dân vô cùng kính trọng.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, Hòa thượng, Tiến sỹ Thích Đức Tuấn, Chủ tịch Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tại châu Mỹ, Trụ trì Chùa Pháp Vương tại thành phố Olivehurst (California), đã bày tỏ niềm tiếc thương khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, đồng thời nhấn mạnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo hết sức giản dị và gần gũi với nhân dân; luôn gương mẫu, thanh liêm, mang lại những thay đổi rất lớn cho đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã có những đóng góp tích cực trong việc nâng tầm quan hệ Việt Nam-Mỹ trở thành Đối tác chiến lược toàn diện, có lợi cho cho sự phát triển cả hai nước, đặc biệt với những người Việt đang làm việc và sinh sống tại Mỹ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã góp phần không nhỏ thúc đẩy tình đoàn kết các dân tộc trên thế giới và xây dựng một nền hòa bình mang tính quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục