Trong khuôn khổ Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ngày 23-24/2 tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), ngày 22/2, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) chủ trì hội thảo triển khai chương trình hành động về xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) trong Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.
Hội thảo có sự tham gia của gần 100 đại biểu bao gồm đại biểu quốc tế là quan chức tài chính, chuyên gia thuế của các nền kinh tế APEC, chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD); các̀ đại biểu đến từ 10 Cục thuế, đại diện Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Việt Nam...
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) nhấn mạnh triển khai thực hiện các biện pháp xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận là một nỗ lực quốc tế quan trọng của cả các nước phát triển và đặc biệt là các nước đang phát triển nhằm đảm bảo tính công bằng, nâng cao hiệu quả thu của các hệ thống thuế trên toàn cầu. Vì vậy, xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận đã được lựa chọn là một trong những chủ đề thảo luận ưu tiên, trong đó tập trung giải quyết các khó khăn, thách thức thực hiện bốn tiêu chuẩn tối thiểu của Diễn đàn hợp tác cùng thực hiện xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận, tham gia Hiệp định đa phương.
Với chủ đề “Triển khai thực hiện kế hoạch hành động BEPS trong APEC,” mục tiêu của hội thảo này nhằm đem lại cơ hội cho các thành viên APEC, với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế cùng nhau thảo luận về các ưu tiên chính sách, chia sẻ thực tiễn triển khai xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận nhằm đề xuất kế hoạch hành động về xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận của APEC cho năm 2017 cũng như phương hướng hợp tác trong tương lai.
Nội dung trao đổi chuyên sâu tại Hội thảo sẽ được đúc kết thành bản báo cáo ban đầu, kiến nghị lên Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC về kế hoạch triển khai chủ đề ưu tiên "Xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận - các tiêu chuẩn tối thiểu trong tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2017." Theo đó, kết quả nghiên cứu, tăng cường hợp tác và trao đổi về chủ đề "Xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận - các tiêu chuẩn tối thiểu của các nền kinh tế APEC sẽ được các Bộ trưởng Tài chính" thông qua kiến nghị về cơ chế phối hợp hay tăng cường hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật để thực thi Chương trình hành động về xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận trong APEC vào tháng 10 năm 2017.
Trên cơ sở các trụ cột ưu tiên quốc gia và Kế hoạch hành động Cebu, việc triển khai chương trình hành động về xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận được lựa chọn là một trong những chủ đề ưu tiên của Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC 2017.
Xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận là hành vi trốn thuế của người nộp thuế, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng khoảng trống và những hạn chế trong chính sách thuế tại những nước nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh để chuyển lợi nhuận sang những nước , vùng lãnh thổ có mức thuế suất thấp hơn hoặc bằng không.
Trước đó, trong hai ngày 20-21/2, cuộc họp thường niên của Tiểu ban Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn (APEC/SCSC1) đã diễn ra tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa). Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch cuộc họp này.
Gần 100 đại biểu đại diện 21 nền kinh tế thành viên tham dự cuộc họp. Với hai chủ đề chính là "Áp dụng tiêu chuẩn trong các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ (MSME)" và "Tác động của cơ sở hạ tầng chất lượng lên các nền kinh tế," các đại biểu đã tập trung thảo luận các phương hướng, biện pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động tiêu chuẩn và hợp chuẩn, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, nền kinh tế số trong bối cảnh đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Cuộc họp chia sẻ nhiều điển hình và kinh nghiệm tốt liên quan đến phát triển hạ tầng chất lượng, các vấn đề an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phát triển thành phố thông minh; trao đổi các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; tăng cường phối hợp giữa các thành viên trong khuôn khổ hoạt động của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan đến biện pháp vệ sinh, kiểm dịch động thực vật (SPS), hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), giữa Tiểu ban Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn và các tổ chức quốc tế, khu vực như tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC), Hội nghị Tiêu chuẩn khu vực Thái Bình Dương (PASC), Tổ chức hợp tác công nhận phòng thí nghiệm châu Á-Thái Bình Dương (APLAC), Diễn đàn Đo lường Pháp định châu Á-Thái Bình Dương (APMLF)...
Các đại biểu đã chia sẻ thông tin về hoạt động áp dụng tiêu chuẩn, chứng nhận, đổi mới công nghệ, giáo dục tiêu chuẩn trong các trường học...
Đoàn Việt Nam có bài trình bày về nỗ lực, đóng góp của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về tiêu chuẩn và hợp chuẩn, nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế, vai trò của các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế lớn như Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế, Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế, Liên minh Viễn thông quốc tế... trong việc định hướng, thúc đẩy nền kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh trong tiến trình cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra.
Đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia các thảo luận, đề xuất Sáng kiến “Chia sẻ điển hình tốt về việc áp dụng tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp đối với Đô thị thông minh trong khu vực Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương”./.