Triển khai ứng dụng phải vì quyền lợi sinh viên và không nên "lạm dụng"

Nhiều ý kiến cho rằng các ứng dụng đang được Hội Sinh viên triển khai mới tập trung phục vụ công tác quản lý, chưa chú ý đến quyền lợi sinh viên nên chưa thu hút được sinh viên tự nguyện cài đặt.

Chủ tịch Hội sinh viên Thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nguyên Anh chia sẻ tại buổi thảo luận. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Chủ tịch Hội sinh viên Thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nguyên Anh chia sẻ tại buổi thảo luận. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việc triển khai cài đặt các ứng dụng của Hội Sinh viên đang quá nhiều và có tính áp đặt, phục vụ công tác quản lý nhiều hơn là lấy sinh viên là trung tâm nên chưa thực sự thu hút được sự quan tâm, chủ động cài đặt của sinh viên.

Đây là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra trong buổi thảo luận chiều nay, 19/12, về chủ đề chuyển đổi số của tổ thảo luận số 10, đoàn đại biểu Đại hội Đại biểu Toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam.

Hoạt động thảo luận chia theo các tổ với các chủ đề khác nhau là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Đại hội Đại biểu Toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam được tổ chức từ ngày 18 đến ngày 20/12, tại Hà Nội.

Rối vì nhiều app nhưng ít tiện ích

Chia sẻ tại buổi thảo luận, Trần Ngọc Thìn, Sinh viên Đại học Đà Nẵng cho rằng hiện có quá nhiều ứng dụng gây khó khăn cho sinh viên, trong khi đó các ứng dụng đều yêu cầu sinh viên phải cài đặt để tính chỉ tiêu. Thìn cũng nêu thực tế ứng dụng của Hội Sinh viên dù nhiều ứng dụng nhưng còn có nhiều lỗi. Theo đó, Thìn đề xuất trước khi triển khai sâu rộng nên triển khai trên phạm vi hẹp để kiểm tra các lỗi và đưa ra các giải pháp khắc phục các hạn chế đó.

Đây cũng là chia sẻ của Hoàng Đức Trung, sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên. Là cán bộ Hội, Trung cho hay em mong muốn ứng dụng không chỉ cung cấp thông tin và quản lý người sử dụng mà phải mở rộng hơn.

“Hiện ứng dụng mới đang chỉ dừng ở việc quản lý sinh viên, chưa có phần liên quan đến hội nhóm của trường, hay tỉnh. Ứng dụng cũng nên tích hợp với các hoạt động của sinh viên như các câu lạc bộ, các chương trình, vừa giúp các thành viên kết nối vừa tạo thuận lợi cho việc thống kê, làm báo cáo, theo dõi các kết quả hoạt động, từ đó khích lệ thi đua, lan tỏa các hoạt động Hội nhiều hơn nữa,” Trung nói.

566448d823fa8ba4d2eb-2537.jpg
Các đại biểu tham gia thảo luận tại tổ thảo luận số 10. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Vấn đề này cũng là kiến nghị của Phan Hoàng Anh, Đại học An Giang. Hoàng Anh nêu dẫn chứng ngay ở việc Đại hội sử dụng một ứng dụng riêng khác với ứng dụng của Hội Sinh viên thay vì tích hợp.

Trung lấy ví dụ về một ứng dụng đang được triển khai tại Đại học An Giang. Ứng dụng này không chỉ là cơ sở dữ liệu sinh viên mà còn tích hợp nhiều chức năng. Chẳng hạn, trước khi một sự kiện diễn ra thì đơn vị tổ chức sẽ mở mục thông tin sự kiện đăng lên, các hội viên sẽ sử dụng tài khoản của ứng dụng truy cập vào hoạt động đó để đăng ký tham gia. Sinh viên sử dụng ứng dụng để chụp hình điểm danh đăng trên sự kiện, giúp ban tổ chức quản lý dễ dàng. Thông qua ứng dụng, các sinh viên cũng có thể thống kê trong năm qua đã tham gia bao nhiêu hoạt động, ở các lĩnh vực nào. Các cơ sở hội có thể thống kê được các hoạt động, mỗi hoạt động có bao nhiêu sinh viên tham gia, rất thuận lợi cho việc tổng hợp dữ liệu, viết báo cáo.

App phải vì sinh viên, hướng tới sinh viên

Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch Hội sinh viên Thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nguyên Anh thẳng thắn cho hay việc làm và triển khai ứng dụng là đúng nhưng chưa hẳn đúng với tinh thần chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Phân tích cụ thể hơn, Chủ tịch Hội sinh viên Thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nguyên Anh cho rằng nhiệm vụ đầu tiên của chuyển đối số là thay đổi nhận thức, lấy người dân là trung tâm. Với Hội sinh viên thì phải lấy sinh viên làm trung tâm.

“Hiện tôi thấy mới tập trung vào việc bắt buộc cài ứng dụng. Ứng dụng của chúng ta đang phục vụ Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Sinh viên là chính chứ chưa phục vụ sinh viên, là đối tượng chính mà chuyển đổi số quốc gia hướng đến. Việc cài ứng dụng phục vụ các cuộc thi, phục vụ công tác quản lý của Đoàn, Hội chứ chưa vì lợi ích của sinh viên. Khi nào sinh viên thấy cài ứng dụng vì quyền lợi của mình thì ứng dụng đó mới phát triển được,” Chủ tịch Hội sinh viên Thành phố Hải Phòng nói.

fe0f9e9ef5bc5de204ad-3852.jpg
Đại biểu chụp ảnh sau buổi thảo luận. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nêu ví dụ việc việc ứng dụng của một số sàn thương mại được các bạn trẻ cài rất nhiều dù không ai thúc em, vì việc cài app giúp họ mua hàng tiện lợi, săn các khuyến mại, Chủ tịch Hội sinh viên Thành phố Hải Phòng gợi ý ứng dụng của Hội Sinh viên nên hướng đến tích hợp các yếu tố mang lại lợi ích thiết thực cho sinh viên như có thể tìm hiểu thông tin về vấn đề việc làm, nộp hồ sơ tuyển dụng trực tuyến…

“Tôi đề nghị phải thay đổi nhận thức, làm sao để sinh viên tự cài đặt ứng dụng chứ không phải bắt cài. Muốn sinh viên tự cài thì sinh viên phải thấy lợi ích của việc cài ứng dụng đối với họ. Nếu ứng dụng có lợi cho sinh viên, sinh viên sẽ tự cài,” Chủ tịch Hội sinh viên Thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nguyên Anh nói.

Cùng quan điểm này, Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh Phú Yên Võ Duy Kha đề xuất Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam nghiên cứu tích hợp trên ứng dụng các tiện ích để sinh viên có thể tìm kiếm việc làm vì đây là vấn đề chính của sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.

“Nếu sinh viên có thể tìm hiểu thông tin doanh nghiệp nào đang có nhu cầu tuyển dụng phù hợp với yêu cầu và khả năng đáp ứng của mình thì sinh viên chắc chắn sẽ tham gia cài đặt”, Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh Phú Yên Võ Duy Kha nói.

Bên cạnh vấn đề ứng dụng, các đại biểu cũng đề cập đến vấn đề ứng dụng công nghệ để kết nối các sinh viên 5 tốt sau khi tuyên dương; rà soát để thành lập Hội Sinh viên cấp trường, cấp tỉnh ở những địa phương chưa có tổ chức hội…

Ghi nhận các ý kiến của các đại biểu, đại diện Hội Sinh viên Việt Nam cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến để gửi về Hội nhằm đưa ra các giải pháp phát triển tốt hơn nữa các hoạt động của Hội trong thời gian tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục