Triển lãm tri ân đóng góp của họa sỹ, nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn

Trong âm nhạc cũng như trong hội họa, Nguyễn Đức Toàn dường như không cầu kỳ ở giai điệu hay tiết tấu, ông rất chú trọng đến thủ pháp luôn luôn nhắc lại và biến hóa “âm hình” chủ đạo.
Triển lãm tri ân đóng góp của họa sỹ, nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn ảnh 1Nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn.

Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh họa sỹ-nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn (1929-2019), ngày 19/7, tại Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam, gia đình họa sỹ, người đại diện bộ sưu tập tranh đã tổ chức trưng bày triển lãm tranh, giới thiệu sách của ông với chủ đề “Họa sỹ, nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn - Những giai điệu vẽ bằng màu sắc.”

Đây là sự kiện thiết thực nhằm tri ân những đóng góp của họa sỹ, nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn cho nghệ thuật Việt Nam.

Hoạ sỹ, nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn sinh ngày 10/3/1929 tại Hà Nội. Ông là con trai cụ Nguyễn Đức Thục, một nhà điêu khắc nổi tiếng nửa đầu thế kỷ 20. Năm 1944 Nguyễn Đức Toàn theo học lớp dự bị tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Nhạc sỹ Nguyễn Trí Nghĩa, con trai họa sỹ, nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn, cho biết bố ông là người rất yêu thích hội họa, cần cù và sáng tạo nghệ thuật. Trong những năm tháng khó khăn thời bao cấp, ông tự mua nguyên liệu về làm vóc để vẽ tranh sơn mài.

[Nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn - Người khắc họa chiến tranh bằng âm điệu]

Nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt, Giám tuyển độc lập của bộ sưu tập tranh tư nhân về họa sỹ, nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn, cho rằng họa sỹ-nhạc sỹ là người sử dụng nhiều chất liệu nhất trong số các nhạc sỹ khi vẽ. Ông vẽ bằng đủ các chất liệu, từ khắc gỗ, bột màu, mực nho, lụa cho đến sơn dầu, sơn mài. Các tác phẩm hội họa của ông được rất nhiều người hâm mộ.

Bên cạnh việc sáng tác hội họa, Nguyễn Đức Toàn còn là tác giả của nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng như "Quê em," "Biết ơn chị Võ Thị Sáu," "Mời anh đến thăm quê tôi," "Noi gương Lý Tự Trọng," "Đảng là cuộc sống của tôi," "Chiều trên bến cảng," "Hà Nội trái tim hồng"...

Năm 2000 ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (cho sáu ca khúc tiêu biểu “Quê em,” “Biết ơn chị Võ Thị Sáu,” “Đào công sự,” “Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương,” “Tình em biển cả” và “Chiều trên bến cảng”).

Ông còn được phong tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú và được trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Ba; Huân chương Độc lập hạng Ba. Ông mất ngày 7/10/2016.

Nhà Phê bình mỹ thuật Quang Việt chia sẻ trong âm nhạc cũng như trong hội họa, Nguyễn Đức Toàn dường như không cầu kỳ ở giai điệu hay tiết tấu, ông rất chú trọng đến thủ pháp luôn luôn nhắc lại và biến hóa “âm hình” chủ đạo. Ông là một trong số rất ít nghệ sỹ đã liên kết được sức mạnh của âm nhạc và hội họa. Bên cạnh một Văn Cao họa sỹ "lập thể,” một Nguyễn Đình Phúc họa sỹ “biểu hiện” thì Nguyễn Đức Toàn là một họa sỹ “trữ tình” như có cả hai cái đó.

Nguyễn Đức Toàn có tâm hồn của một nghệ sỹ yêu nước, yêu quê hương, chiến đấu vì tự do và cái đẹp. Ông cũng rất thích khai thác vốn cổ dân tộc, tìm về quá khứ cha ông cả trong âm nhạc lẫn hội họa. Chất lính trong con người ông có thể “xuề xòa,” “bất cần” ở ngoài đời, nhưng bao giờ cũng đầy khí phách, tráng kiện trong nghệ thuật.

Triển lãm tranh của hoạ sỹ Nguyễn Đức Toàn trưng bày 60 bức tranh. Đây không phải là những tác phẩm xuất sắc nhất của ông nhưng sẽ giúp người xem thấy được tiến trình tiến triển trong hội họa của ông.

Triển lãm “Những giai điệu vẽ bằng màu sắc” diễn ra đến ngày 28/7 tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật, số 16, Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục