Chuyên gia tư vấn Ronak Gopaldas thuộc Viện Nghiên cứu an ninh Nam Phi (ISS), Giám đốc chương trình đánh giá tín hiệu rủi ro, Viện Khoa học kinh doanh Gordon, Đại học Pretoria, Nam Phi, mới đây có bài viết nhận định về “bản sắc châu Phi” của Mauritius - trung tâm tài chính và “cửa ngõ vào châu Phi.”
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), Mauritius có dân số ước tính 1,3 triệu người, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 13,34 tỷ USD. Được xếp hạng là quốc gia cạnh tranh nhất ở châu Phi với điểm số 63,7 về Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu mới nhất.
Mauritius đã nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế từ việc dựa vào nông nghiệp để trở thành một nền kinh tế đa diện, từ lĩnh vực sản xuất, du lịch đến dịch vụ tài chính.
Nhà xuất khẩu mía đường lớn một thời đang dần trở thành trung tâm tài chính của châu Phi và được chứng minh là nhân tố chính trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, đóng vai trò rất lớn trong sự tăng trưởng và phát triển của châu Phi.
Mauritius hiện là quốc gia dẫn đầu trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh ở châu Phi và tiến từ vị trí thứ 25 lên hạng 20 trên toàn thế giới trong số 190 quốc gia được Ngân hàng Thế giới khảo sát trong năm 2019.
Vốn không được thiên nhiên ban tặng nguồn lực dồi dào, quốc đảo ở Ấn Độ Dương này đã chuyển đổi thành công từ một nền nông nghiệp sang nền kinh tế sản xuất và hiện là nền kinh tế chủ yếu dựa vào dịch vụ, thông qua một loạt các quyết định thông minh và chính sách thực dụng.
[An ninh mạng tại châu Phi và sự phát triển của công nghệ]
Ngoài việc thích ứng với thực tế kinh tế đang phát triển, Mauritius còn thực hiện các ưu tiên chiến lược và hướng tới các đối tác trọng điểm ở nhiều giai đoạn khác nhau để kiểm soát các rủi ro.
Trong nhiều năm, các thị trường truyền thống của Mauritius không đảm bảo sự ổn định và an ninh, điều này buộc các nhà hoạch định chính sách nước này một lần nữa phải thích nghi với bối cảnh địa chính trị thay đổi.
Triển vọng tăng trưởng chậm lại ở châu Âu và những thay đổi trong bản chất quan hệ tài chính giữa Mauritius-Ấn Độ đã và đang làm gia tăng các rủi ro từ những cú sốc kinh tế đối với quốc đảo này.
Chiến lược xoay trục về châu Phi, vốn bị lãng quên từ lâu (bất chấp vị trí địa lý của Mauritius), được đánh giá là lựa chọn hợp lý trong bối cảnh nước này phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đề cập ở trên.
Kể từ đầu thập kỷ này, với quyết định được cân nhắc kỹ lưỡng nhằm hội nhập sâu hơn với châu Phi, thương mại và đầu tư giữa Mauritius với các quốc gia châu Phi đã liên tục tăng lên.
Chiến lược này cũng mang lại nhiều kết quả tích cực khác. Mauritius đã ký nhiều hiệp định tránh đánh thuế hai lần và hiện có 23 hiệp định xúc tiến và bảo hộ đầu tư với các quốc gia trên khắp lục địa, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối.
Mauritius cũng nổi lên như là trung tâm tài chính quốc tế được ưa thích của các quỹ đầu tư tư nhân hướng đến châu Phi.
Theo dữ liệu của Ủy ban Phát triển kinh tế Mauritius (EDB), năm 2016, tổng vốn đầu tư nội khối của châu Phi đạt 59 tỷ USD, trong đó gần 50% số vốn này chọn Mauritius là địa bàn trung chuyển.
Về mặt ngoại giao, Mauritius đã đóng vai trò tích cực trong các cơ quan khu vực như Liên minh châu Phi (AU) và Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC). Mauritius cũng đã tạo dựng dấu ấn riêng trong việc tổ chức các hội nghị đầu tư của AU.
Nhà nghiên cứu cao cấp của Viện nghiên cứu an ninh Nam Phi (ISS) Liesl Louw-Vaudran đánh giá cao Mauritius trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và cải thiện sự tham gia của khu vực tư nhân.
Với vai trò thành viên và sự tham gia trong các hiệp hội khu vực, xu hướng tích cực trên sẽ tiếp tục được duy trì, bởi Mauritius đang nỗ lực hội nhập sâu hơn về thương mại và chính trị ở châu Phi.
Phó Giám đốc điều hành Ken Poonoosamy của EDB Mauritius đánh giá: “Châu Phi là một lục địa đang trỗi dậy, mang lại tiềm năng tăng trưởng cao và cơ hội to lớn cho Mauritius.”
Theo ông Poonoosamy, sự thuận lợi trong kinh doanh, nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, sự nới lỏng trong kiểm soát ngoại hối và tư cách thành viên của các tổ chức như SADC, Thị trường chung khu vực Đông và Nam châu Phi (COMESA), Ủy ban Ấn Độ Dương và mới đây nhất là Khu vực thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) khiến Mauritius trở thành “một bệ phóng hấp dẫn” cho toàn lục địa.
Bất chấp tiến bộ này, giới quan sát vẫn còn nghi ngờ về khả năng thành công của Mauritius trong nỗ lực trở thành “cửa ngõ vào châu Phi”, bởi quốc đảo này mới chỉ đưa ra “lời nói mà chưa có hành động thực sự.”
Điểm chính trong mối quan ngại này là “cuộc khủng hoảng về định danh,” hay nói cách khác là liệu Mauritius có thực sự muốn khẳng định chỗ đứng tại châu Phi hay không. Sự nghi ngờ này có nguồn gốc sâu xa từ sự thờ ơ của Mauritius trong lịch sử.
Được người Hà Lan phát hiện, sau đó là thuộc địa của Pháp và sau đó là của Anh, Mauritius chịu ảnh hưởng sâu rộng của châu Âu. Tuy nhiên, lý do rõ ràng hơn ẩn sau mối quan hệ hạn chế của Mauritius đối với châu Phi chính là ảnh hưởng lớn của châu Á đang hiện hữu tại quốc đảo này.
Với khoảng 70% dân số gốc Ấn Độ, các mối liên kết của Mauritius với Ấn Độ rất phong phú, với những nét lịch sử và văn hóa bám rễ sâu trong bản sắc Mauritius. Hơn nữa, sự gần gũi của Mauritius với Ấn Độ và cộng đồng người nước ngoài tương đối lớn ở sở tại khiến quan hệ Mauritius-Ấn Độ càng chặt chẽ hơn, trong khi quan hệ châu Phi - Mauritius mờ nhạt hơn.
Châu Âu và Ấn Độ đã hình thành nền tảng di sản của Mauritius. Điều này được phản ánh trong tỷ trọng lớn về thương mại và đầu tư của hai đối tác này với Mauritius. Vì vậy, hình thành bản sắc châu Phi rõ nét sẽ là một thách thức đối với Mauritius.
Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân châu Phi Mauritius, L’Amédée Darga cho rằng: “Mauritius là một quốc gia gắn kết tốt với châu Phi, nhưng phần lớn người dân Mauritius vẫn không cảm nhận được bản sắc châu Phi. Trạng thái tâm lý khác biệt này một phần xuất phát từ sự đa dạng về nguồn gốc dân tộc nội tại của đất nước.”
Giám đốc điều hành Richard Arlove của Ocorian Capital cũng chia sẻ quan điểm này khi cho rằng Mauritius đang vật lộn với vấn đề bản sắc, đang đắn đo liệu quốc đảo này thực sự muốn “ở lại hay thoát ly” khỏi châu Phi.
Cảm giác đặc biệt này, như đã đề cập ở trên, định hướng chính sách của Chính phủ Mauritius nhằm phản ánh nguyện vọng của phần lớn người dân nước này. Tuy nhiên, sự đa dạng về chủng tộc liệu có phải là lời giải thích thỏa đáng cho sự thiếu hụt về bản chất “châu Phi” của Mauritius? Có lẽ là không.
Những thông tin gần đây về “Sự rò rỉ thông tin liên quan Mauritius” (Mauricanleaks) làm xấu đi hình ảnh của quốc đảo này. Các thành viên của Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế đã đưa ra báo cáo cho thấy Mauritius là một trung tâm tài chính với nhiều nét tiêu cực do bị cáo buộc là thiên đường của trốn thuế và rửa tiền.
Mặc dù chính phủ Mauritius đã phủ nhận và chỉ trích báo cáo trên, nhưng định kiến về một Mauritius - thiên đường trốn thuế - vẫn khó lòng xóa bỏ. Những ý kiến trái chiều của các nhà phê bình gần đây càng củng cố thêm những nghi ngờ hiện hữu về mức độ minh bạch của Mauritius.
Thực tế này cũng có thể làm xấu đi mối quan hệ giữa Mauritius và các quốc gia châu Phi vốn cho rằng quốc đảo này đang cản trở sự phát triển của châu Phi và làm suy yếu hệ thống tài chính của các nước thuộc châu lục.
Việc tái xây dựng mối quan hệ giữa Mauritius và châu Phi phản ánh những xu hướng tương tự ở Bắc Phi, khu vực cũng đã và đang phải giằng co để xác định “đặc tính châu Phi.”
Trong quá khứ, sự khác biệt về đặc tính và nét riêng về sắc tộc giữa Bắc Phi và khu vực miền Nam Sahara châu Phi khiến Ai Cập và Morocco thường xuyên bị chỉ trích. Trong cả hai trường hợp đề cập ở trên, việc thúc đẩy mối quan hệ giữa Mauritius và Bắc Phi với phần còn lại của lục địa chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân kinh tế và lý trí.
Do đó, trong nỗ lực một lần nữa trở thành bộ phận của châu Phi, Mauritius không hề “đơn thương độc mã” và thực sự phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia châu Phi khác. Liệu Mauritius có thể vượt qua những vấn đề này?
Trưởng Ban tài chính Parik Tulsidas của Ngân hàng Á - Phi (AfrAsia Bank) cho rằng Mauritius sẽ thành công, bởi quốc đảo này “sở hữu các yếu tố có thể tạo ra sự tương thích và hướng đến thành công, nhưng đòi hỏi phải có sự thay đổi tư duy và hành động tập trung và táo bạo hơn từ tất cả những bên liên quan để Mauritius dịch chuyển gần hơn tới châu Phi.”
Theo ông Tulsidas, châu Phi có những thách thức riêng, nhưng không nên quên rằng Mauritius đang ngày càng trở thành một phần thực sự của châu Phi và chúng ta cần thay đổi định kiến trong đánh giá mối quan hệ giữa Mauritius và châu Phi.
Xét trong mối quan hệ lịch sử với châu Á và sự phụ thuộc rất lớn vào châu Âu, thúc đẩy mối quan hệ sâu hơn giữa Mauritius với các nước châu Phi khiến quốc đảo này trở thành vùng lãnh thổ cần được khám phá.
Mặc dù định hướng chính sách của Mauritius đối với lục địa là tích cực, quốc đảo này cần có được sự nhận thức rõ hơn về văn hóa châu lục thông qua các lĩnh vực ngoại giao và kinh tế để chính sách xoay trục về châu Phi của Mauritius có được thành công như mong đợi.
Mauritius đã từng là một quốc gia với khả năng tự nhiên trong việc tái tạo đất nước nhiều lần, liệu quốc đảo này có thành công lần nữa?