Đối với các nhà đầu tư chứng khoán, năm 2019 nhiều khả năng sẽ không lạc quan hơn so với năm 2018. Trong khi các chuyên gia của Phố Wall dự báo năm 2019 sẽ là một năm đầy biến động với nhiều thách thức, song họ cũng hy vọng thị trường cổ phiếu sẽ hồi phục sau “màn trình diễn” tháng 12 tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái hồi những năm 1930 tới nay.
Một trong những chỉ số có độ "phủ sóng" lớn nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Standard & Poor's 500 (S&P 500), đã biến động rất mạnh trong năm 2018 bởi những lo ngại về các tranh chấp thương mại, tiến trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu giảm tốc. Những diễn biến này đã đưa S&P 500 vào quỹ đạo của một thị trường đi xuống (bear market) và hướng đến năm tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Hàng triệu người Mỹ có các quỹ đầu tư theo chỉ số (index fund) hoặc quỹ hoán đổi danh mục (ETF) gắn liền với các S&P 500. Do đó số phận của chỉ số này định hình tương lai các khoản hưu trí và tiết kiệm khác.
[Tổng thống Mỹ chỉ trích FED vì gây ra nhiều nỗi sợ hãi với kinh tế Mỹ]
Theo dự báo cuối năm của các chuyên gia tại 19 ngân hàng Phố Wall, mức tăng trung bình cho các cổ phiếu thuộc nhóm S&P 500 là 25% vào năm tới và kết thúc năm ở mức 3.029 điểm.
Người có tâm lý lạc quan cao nhất hiện tại là ông Binky Chadha, chiến lược gia cấp cao tại Deutsche Bank. Mức dự báo kết thúc năm 2019 mà ông đưa ra cho chỉ số S&P 500 là 3.250 điểm. Trong khi đó, dự báo bi quan nhất đến từ chiến lược gia của Morgan Stanley, ông Michael Wilson, người đã dự đoán S&P 500 sẽ đứng ở mức 2.750 điểm vào cuối năm 2019, đồng nghĩa với mức tăng 13,8%.
Mặc dù có những nguy cơ đà tăng trưởng của nền kinh tế “hạ nhiệt” vào năm tới do những bất ổn liên quan đến tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và tiến trình tăng lãi suất của Fed, các chiến lược gia chứng khoán không cho rằng một cuộc suy thoái sẽ diễn ra.
Các chuyên gia quan tâm nhiều hơn về việc tăng trưởng thu nhập của doanh nghiệp giảm xuống mức còn một con số vào năm 2019, so với mức hơn 20% ghi nhận trong năm 2018.
Theo các chuyên gia này, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp không chỉ bị tổn thương do điều kiện khó khăn hơn so với năm 2018, mà còn do những lợi ích từ việc cắt giảm thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump giảm dần. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế giảm tốc tại châu Âu và Trung Quốc cũng như tác động tiêu cực từ chi phí vay cao hơn cũng đe dọa triển vọng lợi nhuận của giới doanh nghiệp./.