Triển vọng u ám của ngành chế tạo máy bay

Hai hãng chế tạo máy bay lớn nhất thế giới, Airbus và Boeing thừa nhận ngành chế tạo máy bay toàn cầu suy giảm ít nhất hai năm nữa.
Đại diện hai hãng chế tạo máy bay lớn nhất thế giới là Airbus của châu Âu và Boeing của Mỹ đều thừa nhận ngành công nghiệp chế tạo máy bay toàn cầu tiếp tục suy giảm ít nhất thêm hai năm nữa.

Nguyên nhân là trong hai năm 2008 và 2009, khủng hoảng tài chính khiến người dân tiết kiệm chi tiêu, hạn chế du lịch và đi lại bằng máy bay, kéo theo nhiều hãng hàng không thế giới làm ăn thua lỗ.

Phát biểu ngày 3/2 tại Triển lãm hàng không ở Singapore, Giám đốc điều hành của Airbus, ông John Leahy nhấn mạnh thị trường máy bay mới sẽ tiếp tục giảm cho tới năm 2012. Năm 2010, Airbus chỉ dành được 250-300 đơn đặt hàng và là năm giảm thứ 3 liên tiếp kể từ mức kỷ lục 1.458 đơn đặt hàng năm 2007. Trong khi đó, theo Giám đốc tiếp thị của Boeing, Randy Tinseth, con đường phía trước của hãng vẫn rất khó khăn.

Thị trường máy bay mới của Airbus và Boeing cũng đang bị thu hẹp do vấp phải sự cạnh tranh lớn từ Tập đoàn chế tạo máy bay thương mại của Trung Quốc. Tập đoàn này đã chế tạo thành công máy bay thân hẹp 168 chỗ ngồi và nhiều hãng hàng không Trung Quốc có xu hướng chuyển sang sử dụng máy bay sản xuất trong nước.

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), các hãng hàng không thế giới tiếp tục ngừng triển khai nhiều dự án phát triển và cắt giảm năng lực vận tải hàng không sau khi lượng hành khách giảm kỷ lục 3,5% trong năm 2009, mức giảm cao nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Các hãng hàng không có tốc độ phát triển cao trong nhiều năm qua như Singapore Airlines và Cathay Pacific Airways cũng cắt giảm số đơn đặt hàng máy bay mới hoặc đề nghị chậm thực hiện các đơn đặt hàng từ trước khi xảy ra khủng hoảng vì cho rằng kinh tế toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục