Trình dự kiến về các hoạt động giám sát năm 2011

Chiều 3/11, Quốc hội nghe tờ trình về sửa đổi một số điều của Luật Chứng khoán và dự kiến Chương trình hoạt động giám sát năm 2011.
Chiều 3/11, Quốc hội họp toàn thể tại hội trường nghe tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán và dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011.

Tăng cường tính minh bạch của thị trường chứng khoán

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nêu rõ thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang trong quá trình hình thành và phát triển, có nhiều yếu tố phát sinh.

Do đó, quá trình thực hiện Luật Chứng khoán đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung như phát hành chứng khoán riêng lẻ, phát triển loại hình chứng khoán mới... Một số quy định hiện hành cũng chưa thực sự phù hợp thực tế như quy định về công bố thông tin, nghiệp vụ của tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán...

Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung chủ yếu vào một số vấn đề như chào bán chứng khoán riêng lẻ, chào bán chứng khoán ra công chúng, chào mua công khai, thị trường giao dịch chứng khoán, điều kiện thành lập và hoạt động của công ty chứng khoán.

Với mục đích hạn chế chuyển nhượng cổ phần để ngăn chặn hành vi lợi dụng phát hành cho số lượng hạn chế rồi chào bán tiếp ra công chúng, dự thảo quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ tối thiểu là một năm.

Dự thảo cũng đưa ra quy định các đợt chào bán cổ phần, trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 6 tháng nhằm ngăn ngừa việc lợi dụng chào bán riêng lẻ cho những đối tượng nhất định dẫn đến pha loãng sở hữu của các cổ đông khác; đồng thời để đảm bảo nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp trong việc huy động và sử dụng vốn.

Nhằm minh bạch hóa thị trường tự do, dự thảo bổ sung quy định về điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng theo hướng khi đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng, các doanh nghiệp phải cam kết đưa chứng khoán chào bán ra công chúng niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán có tổ chức trong thời hạn một năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.

Về chào mua công khai, dự thảo được sửa lại theo hướng vẫn giữ tỷ lệ 25% theo Luật hiện hành nhưng có quy định rõ các mức phải chào mua công khai; mặt khác nêu rõ các trường hợp ngoại trừ không phải chào mua công khai để đảm bảo rõ ràng trong việc thực thi. Dự thảo cũng quy định rõ hơn về tỷ lệ sở hữu để đảm bảo quản lý giám sát của cơ quan Nhà nước đồng thời khắc phục tình trạng nhà đầu tư lách luật mà không bị xử lý.

Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, kinh nghiệm các nước có thị trường chứng khoán phát triển ở trình độ cao như Mỹ, Đức, Nhật đều quy định rất chặt chẽ và quy định giao quyền cho cơ quan quản lý được linh hoạt trong quản lý, điều hành thị trường với mục tiêu bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư và lợi ích quốc gia, ngăn chặn thao túng chi phối kinh tế trong nước, đảm bảo thị trường phát triển bền vững.

Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nội dung sửa đổi, bổ sung đã khắc phục được khá nhiều vấn đề bất cập hiện nay, trong đó tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm hạn chế tình trạng lũng đoạn thị trường; tăng cường tính minh bạch nhằm lành mạnh hóa hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng phạm vi sửa đổi, bổ sung còn hạn hẹp, chưa giải quyết hoặc giải quyết chưa triệt để một số bất cập hiện nay.

Cụ thể như số lượng các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ ra đời trong thời gian qua rất lớn (trên 100), trong đó có không ít các công ty quy mô nhỏ, năng lực quản lý yếu kém, đã gặp nhiều khó khăn khi thị trường biến động, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam. Một trong những nguyên nhân là điều kiện cấp phép thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo quy định hiện hành quá dễ dàng.

Ủy ban Kinh tế đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung thêm quy định về việc này theo hướng tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính và hoạt động nhưng phải quy định chặt chẽ các tiêu chí về năng lực của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để thị trường phát triển một cách lành mạnh, ổn định.

Nhiều ý kiến nhất trí việc bổ sung thêm các loại hình chứng khoán và giao Bộ Tài chính quy định các loại chứng khoán khác nhằm cập nhật những sản phẩm mới phát sinh theo tiến triển của thị trường, đảm bảo thị trường chứng khoán vận hành thông suốt và hiệu quả trong khuôn khổ pháp luật.

Ủy ban Kinh tế cũng đồng tình việc quy định các công ty đại chúng, không phân biệt niêm yết hay chưa niêm yết đều phải áp dụng quy định quản trị công ty theo quy định của Bộ Tài chính nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và bảo đảm bình đẳng giữa các công ty đã phát hành cổ phiếu ra công chúng, tăng tính minh bạch cho thị trường chứng khoán.

Theo Chương trình, sáng 4/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Sẽ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường các khu kinh tế, làng nghề

Cũng trong chiều 3/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, căn cứ vào đặc điểm tình hình năm 2011; trên cơ sở ý kiến đề nghị của các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và kết quả rà soát hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội những năm gần đây, Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011 được dự kiến như sau:

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII, Quốc hội xem xét báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa XII của Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao theo luật định; tiến hành hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (nếu có).

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII.

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề.

Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010 tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều cải tiến về quy trình, thủ tục, cách thức, đạt được những kết quả nhất định, hoàn thành chương trình, kế hoạch đề ra.

Hoạt động giám sát tối cao tại kỳ họp Quốc hội đạt hiệu quả thiết thực, trong đó có một số điểm nổi bật như hoạt động chất vấn được nâng cao về chất lượng, tăng cường tính đối thoại, tranh luận thẳng thắn, cầu thị; đi sâu làm rõ thực chất những vấn đề lớn, bức xúc được dư luận xã hội và cử tri quan tâm.

Hoạt động giám sát theo chuyên đề được tiến hành công phu, nội dung phù hợp tình hình thực tế. Tuy nhiên, việc theo dõi, đánh giá thực hiện các kiến nghị sau giám sát còn chưa làm được nhiều; thiếu những chế tài cụ thể để nâng cao trách nhiệm của cơ quan chịu giám sát...

Quốc hội sẽ xem xét, quyết định thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2011 tại kỳ họp này./.

Thanh Hòa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục