Trực thăng đưa 2 cán bộ bị thương ở xã bị cô lập ra ngoài điều trị

Máy bay trực thăng của quân đội đã hạ cánh tại xã Hướng Việt, huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, để đưa hai cán bộ của xã này bị thương nặng ra ngoài điều trị.
Trực thăng đưa 2 cán bộ bị thương ở xã bị cô lập ra ngoài điều trị ảnh 1Sơ cứu bệnh nhân bị thương. (Ảnh minh họa. Thành Đạt/TTXVN)

Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 23/10, máy bay trực thăng của quân đội đã hạ cánh tại xã Hướng Việt, huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, để đưa hai cán bộ của xã này bị thương nặng ra ngoài điều trị.

Xã Hướng Việt vẫn đang bị cô lập hoàn toàn do con đường vào xã là đường Hồ Chí Minh nhánh Tây bị sạt lở nghiêm trọng.

Hai cán bộ được đưa về Sân bay Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên-Huế gồm Đại úy Lê Văn Dùy, cán bộ Đồn biên phòng Hướng Lập, Phó Bí thư Thường trực xã Hướng Việt và ông Hồ Văn Sinh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hướng Việt, bị thương nặng trong khi làm nhiệm vụ giúp dân ứng phó với mưa lũ từ chiều 17/10.

Biên phòng Quảng Trị đã cử tổ quân y và xe cứu thương đến Sân bay Phú Bài để đón và đưa hai cán bộ bị thương nặng về Bệnh viện Trung ương Huế điều trị.

Cùng ngày, huyện Hướng Hóa đã cử một tổ công tác vận chuyển thực phẩm, nước uống, xăng dầu, thuốc và vật tư y tế bằng xe ô tô đi tỉnh Quảng Bình, rồi theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây để tiếp cận cứu trợ người dân tại hai xã đang bị cô lập hoàn toàn là Hướng Lập và Hướng Việt.

Trước đó, chiều 22/10, máy bay của quân đội cũng đã mang hơn 2 tấn hàng đến cứu trợ người dân hai xã đang bị cô lập này.

Đoàn công tác của Biên phòng Quảng trị và các y, bác sĩ huyện Hướng Hóa cũng đã băng rừng vào xã Hướng Việt. Ngay sau khi đến Hướng Việt, các y, bác sĩ đã kiểm tra sức khỏe, điều trị cho Đại úy Lê Văn Dùy và ông Hồ Văn Sinh. Qua kiểm tra ban đầu, sức khỏe của hai cán bộ này cơ bản ổn định nhưng cần chuyển lên tuyến trên để điều trị.

Đoàn y, bác sỹ huyện Hướng Hóa cũng đã tổ chức khám và điều trị tại chỗ cho người dân bị thương. Theo đó, người dân bị thương nặng được đưa về điều trị tại Bệnh xá xã Hướng Lập. Người bị thương nhẹ được cấp phát thuốc và điều trị tại nhà.

Trong khi đó, Đoàn công tác của Biên phòng Quảng Trị thiết lập đài thông thông tin cơ động để liên lạc với bên ngoài.

[Kịp thời đưa người bị nạn giữa vùng lũ lụt biệt lập đi cấp cứu]

Ngày 23/10, toàn tỉnh Quảng Bình còn khoảng 2.000 ngôi nhà ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa, thị xã Ba Đồn bị ngập. Trong đó, riêng huyện Lệ Thủy chiếm hơn một nửa số ngôi nhà bị ngập, tập trung tại các xã Lộc Thủy, An Thủy, Hồng Thủy, Sơn Thủy, Dương Thủy và thị trấn Kiến Giang... Đây là các địa phương vùng trũng nên nước rút chậm.

Trực thăng đưa 2 cán bộ bị thương ở xã bị cô lập ra ngoài điều trị ảnh 2Một số nơi tại huyện Lệ Thủy nước vẫn ngập sâu. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Nước lũ tại tỉnh Quảng Bình đang xuống nhanh, những trục đường chính tại các huyện bị ngập lụt nặng như Lệ Thủy, Quảng Ninh, thị xã Ba Đồn đã thông được tuyến, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt và cứu trợ, cứu nạn.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, tại tỉnh Quảng Bình vẫn còn đến hơn 34 thôn, bản bị chia cắt và cô lập. Các thôn bản này chủ yếu tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng sát biên giới do giao thông độc đạo lại bị chia cắt do ngập lụt hoặc sạt lở gây ra.

Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình, hiện các trục đường lớn như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 12C đã thông tuyến hoàn toàn; đường Hồ Chí Minh nhánh Tây chỉ còn các điểm km 16+500, Km 17, Km 81+00, Km 166+300, Km 189+300 đang tắc do ngập hoặc sạt lở ta-luy. Quốc lộ 12A đã thông tuyến đoạn từ Km 0 đến Km 78 (thị xã Ba Đồn-Pheo, xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa); riêng đoạn Khe Ve-Cha Lo (huyện Minh Hóa) đang bị tắc hoàn toàn do nền đường lún sụt với chiều dài khoảng 300 m…

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, tính đến 10 giờ ngày 23/10, trận lũ lịch sử này đã làm chết chín người, làm 95 người bị thương; thiệt hại về kinh tế vẫn chưa thống kê được./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục