Trung Quốc áp dụng AI vào hiện đại hóa hệ thống giao thông đường thủy

Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho biết nước này có ý định triển khai các công nghệ thông minh như 5G, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI) trên tất cả các cảng và đường thủy chính vào năm 2027.

Tàu hàng cập cảng container ở Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tàu hàng cập cảng container ở Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chính quyền Trung Quốc đang đặt kỳ vọng vào công nghệ kỹ thuật số để hiện đại hóa hệ thống vận tải đường thủy, nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong vận tải biển bằng cách cải thiện hiệu quả và tính bền vững của hệ thống hạ tầng, cảng biển.

Theo kế hoạch được Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc công bố trên trang web chính thức của bộ này vào đầu tháng 12, Trung Quốc có ý định triển khai các công nghệ thông minh như 5G, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI) trên tất cả các cảng và đường thủy chính vào năm 2027.

Để cải thiện tính năng, hiệu quả tại các cảng biển của nước này, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho biết sẽ yêu cầu các bến container tiến hành đẩy mạnh tự động hóa quy trình làm việc bằng cách sử dụng các công nghệ như xe tự hành, xe container không người lái và cơ sở hạ tầng điều khiển từ xa.

Các nhà chức trách cũng đặt mục tiêu xây dựng mạng lưới kỹ thuật số cho các tuyến đường thủy nội địa chất lượng cao cũng như các bến cảng tại các cảng lớn ven biển như Thượng Hải, Đại Liên và Thiên Tân.

Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho biết sẽ khuyến khích sử dụng công nghệ thông minh trong hoạt động bảo trì và vận chuyển.

Ví dụ, máy bay không người lái và tàu không có nhân viên có thể tuần tra đường thủy, trong khi hệ thống thông tin địa lý và Internet vạn vật (IoT) có thể giúp số hóa các bến cảng.

Các cảng và đường thủy dự kiến sẽ sử dụng nhiều nguồn năng lượng và thiết bị mới hơn trong quá trình phát triển.

Dong Yang, Phó Giáo sư tại Đại học Bách khoa Hong Kong, chuyên về vận tải biển và hậu cần, cho biết: “So với đường bộ và đường sắt, vận tải đường thủy có chi phí thấp hơn, ít ô nhiễm hơn, ít tắc nghẽn giao thông và an toàn hơn. Đó là lý do tại sao Trung Quốc đã nỗ lực trong nhiều năm để phát triển (ngành vận tải biển) và việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để cải thiện khả năng ra quyết định là một bước tiến cần thiết.”

van-tai-bien-1-8134.jpg
Các tàu chở hàng đi qua tuyến đường thủy ở Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. (Ảnh: THX)

Bắc Kinh đang ngày càng chuyển sang các công nghệ tiên tiến như AI để đạt hiệu quả trong các lĩnh vực khác nhau như chất bán dẫn, lĩnh vực mà nước này đang chịu áp lực chuyển đổi sang chuỗi cung ứng có giá trị cao hơn trong bối cảnh cạnh tranh từ các nước đang phát triển như Mexico và Ấn Độ.

Việc Trung Quốc sử dụng mạng lưới đường thủy rộng lớn đã giúp phát triển nền kinh tế của nước này trong vài thập kỷ qua, dẫn đến sự nổi lên của các khu vực như đồng bằng sông Dương Tử và Châu Giang.

Nỗ lực tối ưu hóa hệ thống vận tải đường thủy của Bắc Kinh cũng có thể giúp giảm sự phụ thuộc của nước này vào vận tải đường bộ, vốn vận chuyển gần 3/4 khối lượng hàng hóa của cả nước vào năm 2022, so với đường thủy chiếm 16,9%.

Theo Diễn đàn Vận tải Quốc tế, vận tải hàng hóa đường bộ có thể tạo ra lượng khí thải carbon dioxide gấp 100 lần so với vận tải đường thủy, với cùng một loại hàng hóa và quãng đường di chuyển.

Yang, người đã nghiên cứu sự phát triển của hệ sinh thái cảng, cho biết: “Việc sử dụng công nghệ thông minh hiện là xu hướng trong ngành vận tải biển vì nó có thể nâng cao hơn nữa hiệu quả của vận tải đường thủy và thân thiện hơn với môi trường.”

van-tai-bien-3-2346.jpg
Cảng container ở Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc ngày 30/1/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trung Quốc đã tập trung phát triển nhiều hơn vào đường thủy kể từ khi Bộ Giao thông Vận tải nước này công bố Kế hoạch 5 năm về vận tải đường thủy lần thứ 14 vào năm 2019, trong đó nhấn mạnh đến số hóa và tính bền vững.

Theo Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, chỉ số đầu tư tài sản cố định (FAI) của nước này vào vận tải đường thủy đã tăng trung bình 12,5% hàng năm trong vòng ba năm qua.

Trong 10 tháng đầu năm nay, FAI tổng hợp trong mạng lưới giao thông đường bộ và đường thủy của Trung Quốc đạt 2.570 tỷ Nhân dân tệ (361,4 tỷ USD), tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo dữ liệu chính thức, FAI trên đường bộ tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó ở đường thủy tăng 25,8%./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục