Trung Quốc: Đau đầu với bài toán tốc độ tăng trưởng

Trong thời gian gần đây, nhiều tổ chức tài chính quốc tế đã hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc do lo ngại về khả năng khủng hoảng nợ công châu Âu kéo dài gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong khi sức mua của người dân nước này đang suy yếu. Điều này dẫn đến những quan ngại về khả năng kinh tế Trung Quốc có thể sẽ “hạ cánh cứng” sau nhiều năm tăng trưởng nóng.
Trong thời gian gần đây, nhiều tổ chức tài chính quốc tế đã hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc do lo ngại về khả năng khủng hoảng nợ công châu Âu kéo dài gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong khi sức mua của người dân nước này đang suy yếu.

Điều này dẫn đến những quan ngại về khả năng kinh tế Trung Quốc có thể sẽ “hạ cánh cứng” sau nhiều năm tăng trưởng nóng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, với tiềm lực tài chính ngày càng lớn mạnh, Chính phủ Trung Quốc có đủ khả năng để “lái” nền kinh tế nước này tới “bến đỗ” an toàn và Trung Quốc vẫn tiếp tục sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế toàn cầu.

“Nền kinh tế nóng” đang nguội

Ngày 25/6, Citigroup đã hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay từ 8,1% xuống còn 7,8%.

Không chỉ Citigroup mà các tổ chức tài chính quốc tế có uy tín khác như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều có chung nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang có xu hướng giảm.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhận ra điều này khi chủ động giảm mục tiêu tăng trưởng trong năm nay xuống còn 7,5%.

Phát biểu với các phóng viên sau kỳ họp thường niên của Quốc hội, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với xu hướng suy giảm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và sự suy giảm nhu cầu ở nước ngoài.

Trong bối cảnh đó, việc hạ tỷ lệ tăng trưởng chủ yếu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái cơ cấu kinh tế.

Nếu Trung Quốc chỉ đạt tỷ lệ tăng trưởng GDP 7,5% trong năm nay, đây sẽ là năm "thất vọng nhất" đối với nền kinh tế này về mặt tăng trưởng kể từ năm 1990.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng vẫn có khả năng xảy ra kịch bản tăng trưởng kinh tế Trung Quốc thấp hơn so với mục tiêu.

Cơ sở để họ đưa ra dự báo như vậy là sức mua của người dân Trung Quốc đang có dấu hiệu suy yếu, trong khi môi trường kinh tế toàn cầu đang xấu đi do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và triển vọng kinh tế ảm đạm của Mỹ.

Chuyên gia kinh tế trưởng Gao Shanwen của Công ty Chứng khoán Essence Trung Quốc, có trụ sở ở Bắc Kinh, dự báo tỷ lệ tăng trưởng của nước này trong quý 2 và 3/2012 chỉ đạt từ 7 đến 7,5% trước khi phục hồi nhẹ cuối năm nhờ tác động của các biện pháp kích thích kinh tế.

Nới lỏng tiền tệ - Giải pháp tạm thời

Lần gần đây nhất Trung Quốc đối mặt với nguy cơ không hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế là năm 2009, sau sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ.

Trong quý 1 năm đó, tỷ lệ tăng trưởng GDP của nước này đã tụt xuống còn 6,6%.

Điều này đã buộc Bắc Kinh phải tung ra gói kích thích tài chính khổng lồ có trị giá tới 4.000 tỷ NDT (629 tỷ USD). Nhờ vậy, tính chung cả năm 2009, Trung Quốc đã đạt tỷ lệ tăng trưởng GDP 9,2%.

Tuy nhiên, đi kèm với tác động tích cực đó, gói kích thích đã để lại hậu quả lâu dài là làm gia tăng áp lực lạm phát và tạo ra “bong bóng” bất động sản.

Vì vậy, tại thời điểm hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng Bắc Kinh sẽ chưa tung ra một gói kính thích kinh tế theo kiểu năm 2008-2009 chừng nào “vấn đề nợ công ở châu Âu chưa bùng phát thành một cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn diện và khiến châu lục này chìm sâu vào cuộc suy thoái kinh tế.”

Theo một số chuyên gia, Chính phủ Trung Quốc sẽ có các biện pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế như tiếp tục cắt giảm lãi suất hoặc tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng thương mại và đưa ra một số biện pháp kích thích kinh tế có giới hạn.

Chuyên gia Jing Ulrich của JP Morgan cho rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC) sẽ cắt giảm lãi suất thêm 0,25% trong quý 3/2012 để cải thiện thanh khoản, trong khi chiến lược gia Huang Haizhou của CICC dự báo thời điểm PBC cắt giảm lãi suất là tháng Tám.

Trước đó, vào đầu tháng 6/2012, PBC đã lần đầu tiên cắt giảm lãi suất kể từ năm 2008 nhằm chặn đà suy giảm tăng trưởng.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại các biện pháp quản lý chặt thị trường bất động sản mà Chính phủ Trung Quốc đang áp dụng có thể sẽ làm giảm tác dụng của các biện pháp kích thích kinh tế mới và tác động ngược tới tăng trưởng kinh tế.

Kinh tế Trung Quốc đang “hạ cánh cứng”?

Năm 2010, Trung Quốc đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP 10,4%. Tỷ lệ này đã giảm còn 9,2% trong năm 2011.

Trong quý 1/2012, nền kinh tế này chỉ tăng trưởng với tốc độ 8,1%, thấp hơn so với con số 8,9% của quý trước đó và thấp nhất trong 11 quý qua.

Do tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc đang có xu hướng giảm dần đều, nhiều người lo ngại khả năng nền kinh tế này sắp “hạ cánh cứng.”

Tuy nhiên, ông John Quelch, Phó Chủ tịch Trường Kinh doanh Quốc tế châu Âu - Trung Quốc, nói: “Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ hạ cánh cứng. Vẫn có đủ sức bật trong nền kinh tế này.”

Năm 2010, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. GDP của nước này đã đạt 47.000 tỷ NDT (tương đương 7.460 tỷ USD).

Với quy mô như vậy, việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao liên tục là rất khó khăn. Bên cạnh đó, so với các nền kinh tế lớn khác như Mỹ và Nhật Bản, tỷ lệ tăng trưởng mục tiêu 7,5% của Trung Quốc không phải là thấp.

Mặt khác, việc chủ động hạ thấp mục tiêu tăng trưởng đã cho thấy sự thận trọng của Chính phủ Trung Quốc trước những diễn biến bất thường của kinh tế thế giới.

Trên thực tế, tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc vẫn còn rất lớn bởi vì nước này có số dân đông nhất thế giới (gần 1,35 tỷ người).

Bên cạnh đó, mặc dù là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng Trung Quốc vẫn bị xếp vào hàng các nước đang phát triển do thu nhập bình quân đầu người còn thấp và hệ thống cơ sở hạ tầng của nước này vẫn chưa phát triển.

Theo các chuyên gia phân tích, trong bối cảnh tỷ lệ thâm hụt ngân sách mục tiêu 1,5% GDP trong năm nay và tỷ lệ nợ công ở mức dưới 20% GDP, việc tăng cường đầu tư công có thể là giải pháp để Trung Quốc tiếp tục duy trì tăng trưởng cao trong những năm tới.

Ngoài ra, với tiềm lực tài chính mạnh, Bắc Kinh luôn sẵn sàng khởi động các biện pháp kích thích kinh tế để đối phó với môi trường kinh tế quốc tế đang xấu đi. Đây sẽ là nhân tố giúp Trung Quốc tránh được "hạ cánh cứng."

Với những lý do đó, một số chuyên gia đã tỏ ra lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong các quý tới.

Chuyên gia Jing Ulrich của JP Morgan dự báo tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc có thể đã chạm đáy trong quý 1/2012 và sẽ tăng trở lại trong các quý tiếp theo.

Nền kinh tế nước này có thể sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 8,4% trong năm nay, cao hơn so với mục tiêu 7,5% của Chính phủ Trung Quốc và con số 8,2% mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo./.

Thanh Tùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục