Trung Quốc giới thiệu nền văn hóa thời tiền sử cách đây 4.000 năm

Di chỉ Thạch Mão tại Thần Mộc, tỉnh Thiểm Tây có niên đại cách đây 4.300-3.800 năm, cuối thời đại của văn hoá Long Sơn và là di chỉ thành phố đá thời tiền sử lớn nhất được phát hiện ở Trung Quốc.

Một bức tượng bằng đá được trưng bày trong Bảo tàng Văn hóa Thạch Mão. (Nguồn: Nhật báo Nhân dân Trung Quốc)
Một bức tượng bằng đá được trưng bày trong Bảo tàng Văn hóa Thạch Mão. (Nguồn: Nhật báo Nhân dân Trung Quốc)

Ngày 29/11, Trung Quốc khai trương bảo tàng dành riêng cho Văn hóa Thạch Mão (Shi Mao) có niên đại khoảng 4.000 năm tại thành phố Thần Mộc, tỉnh Thiểm Tây của Trung Quốc.

Bảo tàng có diện tích 12.890m2, trưng bày 688 hiện vật hoặc bộ hiện vật, bao gồm ngọc bích, đồ đá, đồ gốm, dụng cụ bằng xương và những bức tranh tường.

Trưng bày cơ bản của Bảo tàng Thạch Mão dựa trên chủ đề “Trung Quốc cổ đại và Thủ đô của nền văn minh,” thông qua 4 phần chính là “Thạch Mão cao chót vót,” “Thành phố của các vị vua,” “Cuộc sống đô thị” và “Tên minh họa.”

Kết quả khảo cổ và giá trị di sản của di chỉ Thạch Mão phản ánh giá trị quan trọng và vị trí độc đáo của nền văn minh Thạch Mão trong sự phát triển của nền văn minh Trung Quốc.

Di chỉ Thạch Mão có niên đại cách đây 4.300-3.800 năm, cuối thời đại của văn hoá Long Sơn và là di chỉ thành phố đá thời tiền sử lớn nhất được phát hiện ở Trung Quốc.

Di chỉ Thạch Mão hiện nay nằm ở vùng cao nguyên Hoàng Thổ, ở rìa phía Nam của sa mạc Ordos.

Khu tường thành của Thạch Mão từng được xem là một phần của Vạn lý trường thành, tuy nhiên về sau các nhà khảo cổ tìm ra các mảnh ngọc thạch tại khu vực này và bắt đầu tiến hành khảo cứu sâu hơn.

Việc phát hiện di chỉ Thạch Mão được cho là thay đổi hoàn toàn quan điểm về lịch sử khu vực này, vốn được cho là vùng biên rìa nơi sinh sống của các tộc người có trình độ kinh tế-xã hội còn thấp.

Tuy nhiên, phát hiện tại Thạch Mão cho thấy đây là một đô thị quan trọng và quy mô lớn của một nền văn minh cổ phát triển hoàn chỉnh.

Shimao Museum 3.jpg
Khu vực khai quật di chỉ Thạch Mão. (Nguồn: Nhật báo Nhân dân Trung Quốc)

Từ đầu năm 2012, Trung Quốc chính thức tiến hành khảo sát và khai quật di chỉ này. Kết quả khảo cổ cho thấy Khu thành phố Thạch Mão có quy mô khổng lồ, nhiều công trình kiến trúc và tòa nhà lớn.

Hàng chục nghìn hiện vật thuộc nhiều thể loại khác nhau cũng đã được khai quật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục