Trung Quốc hủy dự án nhà máy urani vì dân phản đối

Báo chí Trung Quốc đưa tin chính quyền nước này đã hủy bỏ dự án xây nhà máy xử lý urani tại Quảng Đông do bị người dân phản đối.
Theo Đài RFI, Báo chí Trung Quốc đưa tin chính quyền nước này đã hủy bỏ dự án xây dựng nhà máy xử lý urani tại tỉnh Quảng Đông do bị người dân phản đối.

Cuộc biểu tình hòa bình này được tổ chức theo lời kêu gọi trên mạng.

Theo Nhật báo Giang Môn, khoảng 1.000 người hôm 12/7 đã xuống đường tại thị trấn Hạc Sơn, thành phố Giang Môn, tỉnh Quảng Đông, để phản đối một dự án tại khu công nghiệp Long Loan cách đó khoảng 30km, nơi Tập đoàn Nguyên tử quốc gia Trung Quốc (CNNC) dự định xây dựng một tổ hợp nhà máy rộng 230ha.

Dự án này trị giá 37 tỷ Nhân dân tệ (6 tỷ USD) gồm các thiết bị làm giàu và chuyển đổi tính năng của urani. Theo một số nguồn tin trong nước, cơ sở này có thể đáp ứng khoảng một nửa nhu cầu năng lượng nguyên tử của Trung Quốc - tức khoảng 1.000 tấn urani cho đến năm 2020.

[Trung Quốc lắp đặt xong máy ly tâm làm giàu urani]

Dự án trên cũng gây lo ngại cho các đặc khu bên cạnh là Hong Kong và Macau.

Trang china.org.cn của bộ phận thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc nói rằng đây là dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu hạt nhân đầu tiên tại khu vực Đông Nam.

Tân Hoa xã ngày 13/7 cho biết chính quyền địa phương quyết định hủy bỏ dự án trên “nhằm tôn trọng ý nguyện của nhân dân. Chính quyền Hạc Sơn sẽ không quan tâm đến dự án của CNNC nữa.”

Việc hủy bỏ dự án một cách nhanh chóng đến bất thường này cho thấy chính quyền Trung Quốc ngày càng coi trọng những quan ngại của người dân về các vấn đề môi trường, thường được biểu lộ ở cấp địa phương.

Những vụ biểu tình vì môi trường diễn ra thường xuyên trên khắp Trung Quốc, sau ba thập kỷ công nghiệp hóa nhanh chóng và vô tổ chức. Nhiều dự án bị tố cáo có liên quan đến tham nhũng.

Trước đó, chính quyền thành phố Hạ Môn ở vùng duyên hải đã phải hủy dự án một nhà máy hóa chất sau khi vấp phải sự phản kháng của hàng nghìn người biểu tình năm 2007. Một cuộc biểu tình rầm rộ khác tại thành phố Đại Liên năm 2011 cũng đã khiến chính quyền địa phương phải lùi bước./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục