Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 19/9 đã kháng cáo phán quyết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan đến vụ tranh chấp thuế quan với Mỹ.
Tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ phán quyết của Ban hội thẩm WTO có "sai sót pháp lý."
Trước đó, ngày 16/8, WTO ra phán quyết ủng hộ Mỹ, trong đó kết luận Trung Quốc đã vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế khi áp đặt thuế bổ sung đối với hàng hóa của Mỹ nhằm đáp trả thuế quan của Washington lên mặt hàng thép và nhôm.
[Trung Quốc khiếu nại lên WTO việc Mỹ hạn chế xuất khẩu chip]
Theo Ủy ban Giải quyết Tranh chấp của WTO, mức thuế bổ sung của Trung Quốc là "không phù hợp" với các điều khoản của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) năm 1994.
Tranh chấp thương mại Mỹ-Trung bắt đầu từ năm 2018 khi Tổng thống Mỹ thời điểm đó là ông Donald Trump áp đặt mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc.
Đáp lại, Trung Quốc đưa vụ tranh chấp ra WTO, đồng thời áp thuế lên lượng hàng hóa nhập khẩu của Mỹ trị giá 3 tỷ USD.
Vào tháng 12/2022, WTO ra phán quyết rằng thuế thép ban đầu của ông Trump đã vi phạm các quy tắc thương mại toàn cầu.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã phản ứng phán quyết trên và các mức thuế vẫn được áp dụng.
Việc Trung Quốc kháng cáo diễn ra trong bối cảnh thời gian gần đây quan chức cấp cao của hai nước thường xuyên có các cuộc tiếp xúc nhằm cải thiện quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mới đây nhất là cuộc gặp ngày 18/9 của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính bên lề kỳ họp 78 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ), trong đó, hai bên bày tỏ hy vọng về sự ổn định hơn trong mối quan hệ song phương./.