Ngày 29/8, Trung Quốc khẳng định sẽ không áp dụng các biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với rượu mạnh nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU).
Trong tuyên bố, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Bắc Kinh không có kế hoạch áp thuế chống bán phá giá đối với rượu mạnh nhập khẩu của EU, mặc dù cuộc điều tra vào đầu năm nay kết luận rằng các nhà sản xuất rượu ở EU đã bán phá giá từ 30,6% đến 39% tại thị trường tiêu dùng 1,4 tỷ người, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất trong nước.
Quyết định này cho phép hai bên có thêm thời gian để thảo luận trong các cuộc đàm phán thương mại căng thẳng.
Trung Quốc bắt đầu điều tra chống bán phá giá đối với rượu mạnh nhập khẩu của EU từ ngày 5/1 năm nay nhằm đáp trả việc EU hạn chế xuất khẩu xe điện của nước này.
Động thái này được cho là chủ yếu nhằm vào Pháp vì hầu như tất cả rượu mạnh của EU xuất khẩu sang Trung Quốc đều được sản xuất tại Pháp.
Cuộc điều tra tập trung vào các sản phẩm rượu mạnh trong các thùng chứa dưới 200 lít.
Trung Quốc đã vận động 27 quốc gia thành viên EU bác đề xuất của Ủy ban châu Âu (EU) về việc áp dụng mức thuế bổ sung lên tới 36,3% đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 10 tới.
Vì vậy, quyết định không áp thuế đối với rượu mạnh của EU có thể được xem là bước đi có lợi cho Bắc Kinh.
Sau thông báo của Trung Quốc, cổ phiếu của các nhà sản xuất rượu mạnh của Pháp Remy Cointreau và Pernod Ricard đã tăng khoảng 8%. Trong khi đó, cổ phiếu của nhà sản xuất Campari của Italy tăng 4,5%./.
Trung Quốc điều tra chống bán phá giá rượu mạnh nhập khẩu từ EU
Trung Quốc cho biết phiên điều trần về áp thuế chống bán phá giá đối với rượu mạnh nhập khẩu từ EU sẽ đề cập đến nguyên nhân dẫn đến tình trạng bán phá giá rượu mạnh nhập khẩu của EU ở Trung Quốc.