Trung Quốc điều tra trợ cấp đối với sản phẩm sữa nhập khẩu từ EU

Trung Quốc quyết định mở cuộc điều tra chống trợ cấp đối với các sản phẩm sữa nhập khẩu từ EU, trong đó có phô mai tươi và sữa đông, phô mai xanh và một số sản phẩm sữa và kem.

Sản phẩm sữa bán tại một siêu thị ở Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters)
Sản phẩm sữa bán tại một siêu thị ở Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters)

Ngày 21/8, Trung Quốc thông báo sẽ mở một cuộc điều tra các khoản trợ cấp của Liên minh châu Âu (EU) đối với một số sản phẩm sữa nhập khẩu vào nước này.

Động thái này diễn ra một ngày sau khi EU thông báo kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối với xe điện của Trung Quốc.

Trong thông báo đăng trên trang web, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đã quyết định mở cuộc điều tra chống trợ cấp đối với các sản phẩm sữa nhập khẩu từ EU, trong đó có phô mai tươi và sữa đông, phô mai xanh và một số sản phẩm sữa và kem.

Cuộc điều tra sẽ xem xét một số khoản trợ cấp theo chính sách nông nghiệp chung (CAP) của EU và sẽ kết thúc trong vòng 1 năm, tuy nhiên có thể gia hạn thêm 6 tháng.

Trước đó, ngày 20/8, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo có kế hoạch áp thuế nhập khẩu lên tới 36% trong 5 năm đối với ôtô điện của Trung Quốc, trừ phi Bắc Kinh có thể đưa ra một giải pháp thay thế cho tranh chấp thương mại liên quan đến trợ cấp nhà nước.

Hiện Trung Quốc đang tiến hành một số cuộc điều tra khác đối với các hoạt động thương mại của EU. Tháng 6 vừa qua, Trung Quốc đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thịt lợn nhập khẩu từ EU. Trung Quốc được coi là thị trường xuất khẩu thịt lợn hàng đầu của EU.

Liên quan kế hoạch của EC áp thuế chống đối với xe điện Trung Quốc, ngày 21/8, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc (CAAM) đã bày tỏ phản đối mạnh mẽ kế hoạch này.

Theo thông tin được tiết lộ, mức thuế chống trợ cấp đối với 3 công ty xe điện Trung Quốc được lấy làm mẫu là BYD, Geely và SAIC lần lượt là 17,0%, 19,3% và 36,3%.

CAAM nêu bật những rủi ro và bất ổn đáng kể mà các mức thuế cao này gây ra đối với các công ty Trung Quốc hoạt động và đầu tư ở châu Âu, nhấn mạnh điều này có thể làm xói mòn niềm tin của họ.

Hiệp hội cảnh báo các biện pháp này cũng có thể tác động nghiêm trọng đến ngành sản xuất ôtô, việc làm, cũng như cản trở nỗ lực tiến tới phát triển xanh và bền vững của EU.

CAAM kêu gọi phía châu Âu duy trì đối thoại và hợp tác để tạo ra "môi trường thị trường công bằng, không phân biệt đối xử và có thể dự đoán được" để tạo thuận lợi cho sự phát triển của ngành sản xuất ôtô./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục