Trung Quốc: Kinh tế Đài Loan có thể thực sự khởi sắc sau COVID-19?

Theo số liệu chính thức, khoảng 50.000 người đã mất việc trong tháng Năm khi tỷ lệ thất khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2013.
Trung Quốc: Kinh tế Đài Loan có thể thực sự khởi sắc sau COVID-19? ảnh 1Phun khử trùng tại một khu vực ở Đài Loan. (Nguồn: focustaiwan.tw)

Theo Bloomberg, được ví như "khu đất vàng" của thành phố Đài Bắc, quận Tín Nghĩa lâu nay nổi tiếng với hình ảnh những khu phố chật kín người mua sắm, hay hình ảnh hàng dài thực khách đứng xếp hàng để được vào dùng bữa tại các nhà hàng nổi tiếng.

Nhưng giờ đây, sau hơn một năm chứng kiến sự "đổ bộ" của đại dịch COVID-19, những góc phố từng một thời sôi động ấy giờ lại trở nên vắng vẻ lạ thường, thậm chí cả vào những ngày cuối tuần đầy nắng.

Điều này phản ánh một sự tương phản nếu so sánh với các thành phố lớn đang bắt đầu mở cửa trở lại của thế giới. Bên cạnh đó, đây cũng là một đòn giáng mạnh vào lĩnh vực bán lẻ và kinh doanh nhà hàng của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), vốn sử dụng đến khoảng 20% lực lượng lao động của nền kinh tế.

Những khó khăn được "giấu kín"

Kang Yuan, một nhà hàng chuyên về đồ ăn Quảng Đông truyền thống, đã buộc phải đóng cửa vào đầu tháng Bảy sau hai thập kỷ kinh doanh.

Tsai Tsung-long, Tổng Giám đốc tập đoàn Hong Chang - chủ sở hữu một số nhà hàng trong đó có Kang Yuan - cho biết: "Các nhà hàng phục vụ đồ ăn Trung Quốc đã mất đi khoảng 90% doanh thu vì đại dịch và phải đóng cửa vì tuyệt vọng. Nếu chủ sở hữu nhận thấy tình hình khá hơn, họ có thể cố gắng duy trì trong từ 2-3 tháng. Tuy nhiên, giờ đây, họ đang không nhìn thấy bất kỳ tia hy vọng nào."

Nhà hàng, khách sạn và bán lẻ đang là ba lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất từ làn sóng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Đài Loan. Liu Cheng-yu, chuyên gia kinh tế tại hãng quản lý tài sản First Capital Management, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng trong khi đại dịch lấy đi khoảng 70% doanh thu của các nhà hàng ăn uống, con số được ghi nhận ở các cửa hàng bách hóa là khoảng 60%.

Theo ước tính, doanh thu của hầu hết các nhà hàng và cửa hàng sẽ không thể phục hồi về mức 50% doanh thu trước đại dịch cho đến khi chính quyền Đài Loan dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế xã hội. Thời gian thực hiện cảnh báo cấp độ 3 của Đài Loan sẽ kéo dài đến ngày 26/7, nhưng dự kiến sẽ được gia hạn thêm.

[COVID-19: Đài Loan có ca mắc biến thể Delta đầu tiên trong cộng đồng]

Tuy nhiên, điều đáng nói là theo các chuyên gia, có vẻ như xu hướng sụt giảm này không được phản ánh trong các ước tính kinh tế tiêu biểu của Đài Loan. Vùng lãnh thổ này đang kỳ vọng vào một năm kinh tế khởi sắc, được thúc đẩy bởi nhu cầu quốc tế đối với chất bán dẫn và linh kiện điện tử tăng mạnh, khiến hoạt động xuất khẩu tăng lên mức cao nhất trong hai tháng vào tháng Năm và tháng Sáu vừa qua.

Trong khi đó, các dữ liệu hướng tới tương lai cũng cho thấy kinh tế Đài Loan đang bùng nổ với tốc độ nhanh nhất kể từ những năm 1980.

Phản ứng của người dân và doanh nghiệp

Trong cả năm 2020 và đầu năm 2021, vùng lãnh thổ Đài Loan đã không chịu ảnh hưởng nhiều từ đại dịch COVID-19. Điều này giúp cuộc sống của người dân diễn ra tương đối bình thường.

Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi vào cuối tháng 4/2021, khi virus đã xâm nhập vào quá trình kiểm dịch qua biên giới và bắt đầu lây lan nhanh chóng.

Kể từ đầu tháng 5/2021, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Đài Loan (CDC) đã báo cáo có khoảng 13.000 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 và hơn 700 trường hợp tử vong tại Đài Loan.

Đáp lại, người phụ trách mảng y tế Chen Shih-chung đã thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội, bao gồm việc đóng cửa các trường học, quán bar và các địa điểm giải trí, chẳng hạn như phòng tập thể dục, rạp chiếu phim và quán karaoke. Cùng với đó, các nhà hàng chỉ được phép phục vụ khách hàng mua mang về và cấm tụ tập nhiều hơn 5 người ở trong nhà.

Trong chương trình cứu trợ COVID-19, chính quyền Đài Loan đã cung cấp khoản trợ cấp một lần trị giá 40.000 đô la Đài Loan (TWD), tương đương 1.430 USD, cho mỗi nhân viên làm việc trong doanh nghiệp bị mất hơn 50% doanh thu. Ngoài ra, lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh về thấp hơn để các doanh nghiệp vừa và nhỏ hạn chế thua lỗ.

Tuy nhiên, từng đó đã đủ để xoa dịu những mất mát của nền kinh tế?

Jerry Chiu, Giám đốc điều hành của Casual Restaurants, công ty điều hành các thương hiệu TGI Fridays và Texas Roadhouse tại Đài Loan và Hong Kong (Trung Quốc), cho biết chính phủ đã đánh giá thấp tác động tài chính đối với công ty và cung cấp quá ít sự hỗ trợ.

Giám đốc Chiu nói thêm: "Các doanh nghiệp Đài Loan đang thực sự gặp khó khăn và có vẻ như ông Chen Shih-chung chưa nhận thức được điều này. Các nhà hàng không cảm thấy được chính phủ hỗ trợ và đó là lý do tại sao họ tuyệt vọng và quyết định đóng cửa."

Những khó khăn mà các doanh nghiệp phải trải qua đang ảnh hưởng trực tiếp đến những lao động mà họ tuyển dụng. Theo số liệu chính thức, khoảng 50.000 người đã mất việc trong tháng Năm khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2013.

Cứ 5 công nhân Đài Loan thì có 1 người là nhân viên tuyến đầu trong lĩnh vực dịch vụ và bán lẻ. Điều này khiến các hộ gia đình phải cắt giảm chi phí và tìm kiếm công việc bán thời gian.

Wang Tai-ming, chủ sở hữu đồng thời là đầu bếp của nhà hàng vịt quay Bắc Kinh ở thành phố Tân Đài Bắc, cho biết: "Với tất cả khách hàng đã mất, tôi không đủ khả năng trả tiền thuê nhà hàng của chính mình." Anh Wang hiện đang làm tài xế Uber để hỗ trợ gia đình.

Tony Phoo, nhà kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Standard Chartered, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: "Ngành dịch vụ đóng góp khoảng 50% tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đài Loan trong nửa đầu năm 2021. Những thiệt hại mà đại dịch gây ra đối với tiêu dùng tư nhân sẽ khiến tăng trưởng GDP giảm từ ngưỡng 7-8% xuống chỉ còn 3% trong nửa cuối năm nay."

Và dường như có rất ít triển vọng cải thiện trong tương lai gần. Mặc dù CDC đã dỡ bỏ lệnh cấm ăn uống tại nhà hàng vào tuần trước trong một nỗ lực nhằm giảm bớt những khó khăn cho ngành dịch vụ, nhưng sau đó chính quyền Đài Loan lại quyết định tiếp tục gia hạn lệnh cấm.

Và ngay cả khi lệnh cấm cuối cùng được gỡ bỏ, tâm lý lo sợ về việc liệu ăn uống ở nhà hàng có phải phương án an toàn hay không có nghĩa là người dân sẽ không ngay lập tức quay trở về với thói quen ăn uống cũ.

Doris Huang, người thường xuyên ăn tối trong nhà hàng với gia đình cho đến khi đại dịch bùng phát, cho biết: "Tôi sẽ không đưa gia đình đi ăn ngay ngoài cả khi các hạn chế được dỡ bỏ. Tôi chưa cảm thấy an toàn. Tôi muốn đợi cho đến khi cả gia đình được tiêm ít nhất một loại vaccine ngừa COVID-19"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục