Trung Quốc nghiên cứu cách ứng phó áp lực tối đa từ bên ngoài

Nhiều chuyên gia, học giả Trung Quốc đề xuất chính phủ nước này cần ứng phó áp lực không xác định từ bên ngoài bằng bằng tính xác định cải cách mở cửa trong nước.
Trung Quốc nghiên cứu cách ứng phó áp lực tối đa từ bên ngoài ảnh 1Cảng hàng hóa Khâm Châu, Khu tự trị Choang Quảng Tây của Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tại cuộc hội thảo hôm 13/8 ở Bắc Kinh với chủ đề "Phân biệt đúng sai, ứng phó áp lực tối đa từ Mỹ một cách lý tính và tự tin,” nhiều chuyên gia, học giả Trung Quốc nhấn mạnh việc Mỹ chỉ trích Trung Quốc thao túng tỷ giá hối đoái là hoàn toàn vô lý, và dù dựa trên bất cứ đánh giá theo tiêu chuẩn nào, Trung Quốc đều không phải nước thao túng tỷ giá hối đoái.

Ngoài ra, các chuyên gia còn đề xuất Trung Quốc cần ứng phó tính không xác định từ bên ngoài bằng tính xác định cải cách mở cửa trong nước.

Tại hội thảo, các chuyên gia và học giả nhất trí cho rằng một loạt cách làm đơn phương và bảo hộ mậu dịch của Mỹ đã tác động đến dự báo của thị trường, dẫn đến sự bấp bênh trên thị trường.

Ngụy Bản Hoa, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý Ngoại hối quốc gia Trung Quốc, khẳng định việc Bộ Tài chính Mỹ chỉ trích Trung Quốc "thao túng tỷ giá hối đoái" là không chút lý tính.

Ông này nêu rõ: "Tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ thực ra dao động không lớn, chỉ hơn 1%, không phải chuyện gì to tát. Phía Mỹ đã không có chút lý tính, chỉ trích ngang ngược, chụp mũ thao túng tý giá hối đoái cho Trung Quốc."

Cách làm vô lý liệt Trung Quốc vào danh sách "nước thao túng tỷ giá hối đoái" của Bộ Tài chính Mỹ mới đây đã bị cộng đồng quốc tế, trong đó có Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nghi ngờ và phản đối.

[Giải mã sự trỗi dậy nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc]

Trước đó, ngày 9/8, IMF đã ra Báo cáo tham vấn thường niên theo Điều 4 với Trung Quốc, trong đó dư luận cho rằng báo cáo này đã xác nhận Trung Quốc không hề "thao túng tỷ giá hối đoái."

Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Dân sinh Trung Quốc Ôn Bân cho rằng xét về cơ chế giao dịch, từ khi tiến hành cải cách, tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ đã thị trường hóa; còn xét về kết cấu kinh tế, Trung Quốc không cần thiết phá giá để cạnh tranh.

Chuyên gia này phân tích: "Trong những năm qua, Trung Quốc đã có sự thay đổi mang tính kết cấu, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chủ yếu được thúc đẩy bằng nhu cầu trong nước, bởi vậy Trung Quốc sẽ không cần thiết phá giá tiền tệ để cạnh tranh, ứng phó biến đổi từ bên ngoài."

Bên cạnh đó, Phó cục trưởng Cục Nghiên cứu Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Trương Tuyết Xuân nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần ứng phó tính không xác định từ bên ngoài bằng tính xác định cải cách mở cửa trong nước.

Bà Trương cho biết: "Sự tăng trưởng của Trung Quốc chủ yếu dựa vào nhu cầu trong nước, mức độ phụ thuộc vào xuất nhập khẩu thấp hơn vài năm trước. Chính vì Trung Quốc có tiềm năng phát triển cực lớn, chẳng hạn như Trung Quốc có chuỗi công nghiệp, có thể tiếp tục nâng cao trình độ đô thị hóa, do đó mang lại không gian phát triển to lớn.

Muốn giải phóng những tiềm năng này và bù lấp mảng yếu kém, cần phải dựa vào cải cách mang tính kết cấu. Việc Trung Quốc cần làm hiện nay là đánh tốt "ba trận chiến công kiên lớn" (gồm ngăn chặn và xử lý các rủi ro lớn, xóa đói giảm nghèo, phòng chống ô nhiễm), kiên trì cải cách kết cấu khung cung ứng và mở cửa có trật tự"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục