Trung Quốc: Suy thoái thương mại thu hẹp, thúc đẩy triển vọng phục hồi

Tình hình xuất nhập khẩu tháng Chín cải thiện mang đến sự khích lệ đối với Trung Quốc, trong bối cảnh nền kinh tế nước này tiếp túc đối mặt áp lực giảm phát dai dẳng và khủng hoảng tài sản kéo dài.
Trung Quốc: Suy thoái thương mại thu hẹp, thúc đẩy triển vọng phục hồi ảnh 1Cảng container ở Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) ngày 30/1/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo CNN, dữ liệu hải quan công bố hôm Thứ Sáu cho thấy xuất nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm với tốc độ chậm hơn trong tháng thứ hai liên tiếp vào tháng Chín vừa qua - dấu hiệu cho thấy sự ổn định dần trở lại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhờ một loạt những hỗ trợ chính sách.

Báo cáo trên mang lại sự khích lệ cho các nhà chức trách Trung Quốc, mặc dù nền kinh tế quốc gia châu Á này tiếp tục phải đối mặt với áp lực giảm phát dai dẳng, khủng hoảng tài sản kéo dài và tăng trưởng toàn cầu chậm lại cùng những căng thẳng địa chính trị.

Các lô hàng xuất đi trong tháng Chín đã giảm 6,2% so với một năm trước, sau khi giảm 8,8% trong tháng Tám, và thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế về mức giảm 7,6% trong một cuộc thăm dò của Reuters.

Những số liệu này được hỗ trợ bởi các đơn hàng xuất khẩu mới - theo một cuộc khảo sát chính thức tại các nhà máy cách đây hai tuần - cho thấy sự cải thiện trong tháng Chín, một phần do mùa cao điểm xuất hàng đối với các sản phẩm Giáng sinh và một số yếu tố cơ bản thuận lợi.

Xu Tianchen, nhà kinh tế cấp cao của Economist Intelligence Unit, cho biết: “Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy xu hướng tăng trưởng theo chu kỳ trong lĩnh vực điện tử toàn cầu đang khiến thương mại toàn cầu ‘chạm đáy’ và dữ liệu thương mại của Trung Quốc là dấu hiệu mới nhất.”

“Điều đó mang lại lý do để lạc quan về bức tranh thương mại tươi sáng hơn vào năm 2024” - ông nói.

Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc - một chỉ số hàng đầu về nhập khẩu của Trung Quốc - đã giảm với tốc độ chậm nhất trong 11 tháng vào tháng Chín.

Chất bán dẫn chiếm phần lớn trong thương mại giữa hai nước, báo hiệu nhu cầu ngày càng tăng của các nhà sản xuất Trung Quốc đối với linh kiện để tái xuất thành phẩm.

[Nhiều dấu hiệu khả quan phát đi từ nền kinh tế Trung Quốc]

Hoạt động thương mại toàn cầu, được đại diện bởi Baltic Dry Index (tạm dịch: Chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic), cũng cho thấy mức tăng trưởng đáng chú ý trong tháng Chín.

Tuy nhiên, thương mại của Trung Quốc vẫn phải đối mặt với môi trường bên ngoài phức tạp và khắc nghiệt.

Nhu cầu trong nước dần phục hồi, nhờ đó nhập khẩu cũng giảm với tốc độ chậm hơn, với mức giảm 6,2%. Kết quả này tốt hơn mức giảm 7,3% ghi nhận trong tháng Tám.

Với kết quả trên, thặng dư thương mại trong tháng Chín đạt 77,71 tỷ USD, lớn hơn so với mức thặng dư 70 tỷ USD dự kiến trong cuộc thăm dò, và 68,36 tỷ USD trong tháng Tám.

Những trở ngại cho sự phục hồi

Các nhà kinh tế cho rằng còn quá sớm để đưa ra nhận định về nhu cầu trong nước của Trung Quốc sẽ tăng trưởng như thế nào trong những tháng tới trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản của nước này đang gặp khủng hoảng, tình hình việc làm và tăng trưởng thu nhập hộ gia đình không chắc chắn, cũng như niềm tin yếu ớt của một số doanh nghiệp tư nhân có thể mang đến rủi ro cho một sự phục hồi kinh tế bền vững.

Trung Quốc: Suy thoái thương mại thu hẹp, thúc đẩy triển vọng phục hồi ảnh 2Công nhân làm việc tại công trình xây dựng ở Trùng Khánh (Trung Quốc). (Ảnh: THX/TTXVN)

Nền kinh tế trị giá 18.000 tỷ USD bắt đầu “mất đà” từ quý 2 năm nay sau một thời gian ngắn phục hồi thời kỳ hậu đại dịch COVD-19, thôi thúc các nhà hoạch định chính sách đưa ra một số biện pháp nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi trước thị trường nhà đất vốn đang trì trệ, tỷ lệ người trẻ thất nghiệp cao và áp lực trả nợ địa phương ngày càng gia tăng.

Dữ liệu lạm phát được công bố trước đó cho thấy giá tiêu dùng của Trung Quốc chững lại và giá bán hàng hóa tại nhà máy giảm nhanh hơn chút ít so với dự kiến vào tháng trước so với một năm trước, cho thấy áp lực giảm phát vẫn “đeo đẳng” trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, các nhà chức trách có thể phần nào yên tâm với những dữ liệu gần đây bao gồm tình hình hoạt động sản xuất và và doanh số bán lẻ lạc quan hơn, cùng với lượng khách du lịch trong kỳ nghỉ “Tuần lễ Vàng” vừa qua đã tăng 4,1% so với mức trước đại dịch hồi năm 2019.

Để giúp nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng hằng năm khoảng 5% của Chính phủ, Trung Quốc đang cân nhắc phát hành thêm ít nhất 1.000 tỷ nhân dân tệ (137,00 tỷ USD) nợ Chính phủ để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, trong bối cảnh Bắc Kinh chuẩn bị tung ra một đợt kích thích kinh tế mới.

Những tháng gần đây, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cần phải “tiến xa hơn” bên cạnh việc đưa ra những biện pháp từng phần để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục