Trung Quốc tính thách thức vị thế của Mỹ tại châu Á

Bắc Kinh có thể tìm kiếm một cơ hội khác nhằm tái định hình nhận thức của khu vực về cam kết quân sự của Washington với châu Á.

Theo mạng tin tình báo Stratfor, khi Nhật Bản và Trung Quốc tăng cường các hoạt động hải quân, không quân xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông, Mỹ cũng đang thúc đẩy sự can dự nhằm trấn an Tokyo và cảnh báo Bắc Kinh. Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể tận dụng cơ hội này để thách thức vị thế bá quyền của Mỹ ở khu vực.

 

Mỹ đang theo dõi các hoạt động không quân của Trung Quốc từ hệ thống E-3 Sentry tại căn cứ không quân Kadena trên đảo Okinawa nhằm đáp lại việc máy bay chiến đấu và tuần tra Trung Quốc tăng cường giám sát các chuyến bay C-130 và P-3C của Mỹ. Phi công Trung Quốc cũng đang tích cực giám sát các máy bay quân sự Mỹ bay qua không phận giữa Trung Quốc và Nhật Bản, đồng thời máy bay Trung Quốc đã nhiều lần vi phạm không phận Nhật Bản gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, buộc nước này phải cho xuất kích máy bay F15J để ngăn chặn.

 

Việc sử dụng hệ thống cảnh báo sớm E-3 sẽ giúp tăng cường khả năng phối hợp của Mỹ, cung cấp thông tin cảnh báo sớm trong trường hợp đụng độ với máy bay Trung Quốc. Tuy nhiên, mục đích chính là nhằm bù đắp những yếu kém của Nhật Bản trong lĩnh vực này. Bộ Quốc phòng Nhật Bản muốn được trang bị hệ thống cảnh báo này vì các trạm radar của Nhật Bản trên đảo Miyako gần Okinawa đã không thể phát hiện được máy bay Trung Quốc bay ở tầng thấp.

 

Khi Chính phủ Nhật Bản tiếp tục xem xét lại chính sách và phát triển khả năng quân sự của mình, Tokyo đã nhận ra một số yếu kém của mình trong khả năng đương đầu với Trung Quốc. Nhật Bản sẽ phải dựa vào Mỹ để giải quyết vấn đề này khi quân đội Nhật đang tìm cách thay đổi các lực lượng hiện tại và điều chỉnh các nguyên tắc can dự.

 

Tokyo và Washington đang thảo luận về giải pháp chung cho khu vực đảo tranh chấp và hành động của Trung Quốc. Washington nói rằng Mỹ không công nhận chủ quyền của bên nào đối với quần đảo tranh chấp, nhưng lại công nhận quyền kiểm soát hành chính của Nhật, điều này đồng nghĩa với việc Washington đã ủng hộ Nhật. Tuy nhiên, Mỹ không muốn xung đột Nhật-Trung xảy ra. Bằng việc tăng cường sự hiện diện trực tiếp, Washington đã giúp trấn an Tokyo, làm giảm áp lực cho Nhật để hành động quyết đoán hơn. Việc này cũng nhắc nhở Trung Quốc rằng hành động quyết đoán sẽ không chỉ đến từ Nhật mà còn cả Mỹ.

 

Tuy nhiên, giải pháp này chỉ phù hợp với giả định Trung Quốc sẵn sàng lùi bước. Theo cách nhìn của Trung Quốc, Mỹ đang tìm cách bao vây, ngăn chặn Bắc Kinh tại khu vực châu Á. Bắc Kinh coi những dấu hiệu tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ tại Austraylia, Philippines trong chiến lược tái cân bằng châu Á là chính sách bao vây, ngăn chặn Trung Quốc. Giới học giả và quan chức Trung Quốc nêu quan ngại về chiến lược ngăn chặn của Mỹ giống như chiến lược đã từng được sử dụng trong Chiến tranh Lạnh chống Liên Xô trước đây.

 

Tuy nhiên, sự can dự của Mỹ như thế có thể vẫn chưa đủ để làm thay đổi hành động của Trung Quốc đối với các quần đảo tranh chấp. Thực tế, điều đó có thể khuyến khích Trung Quốc táo bạo hơn trong việc thử phản ứng của Mỹ và khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình không chỉ đối với các đảo tranh chấp mà còn cả với vùng ảnh hưởng mở rộng của nước này.

 

Năm 2001, sau vụ va chạm giữa máy bay Jian-8 của Trung Quốc với EP-3E của Mỹ, Trung Quốc đã giữ máy bay của Mỹ trên đảo Hải Nam và yêu cầu Mỹ xin lỗi. Nhưng còn hơn cả việc tìm kiếm một lời xin lỗi hay đánh cắp bí mật từ máy bay này, Trung Quốc đã tận dụng cơ hội đó để cho các nước châu Á thấy rằng Mỹ và quân đội nước này có thể bị đánh trả ở châu Á.

 

Các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 vào nước Mỹ đã làm chuyển hướng sự chú ý của Mỹ, và mối quan hệ Mỹ-Trung không còn là ưu tiên vào thời điểm đó. Tuy nhiên, những căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung một lần nữa lại nổi lên và tại thời điểm mà ngày càng có thêm nhiều chuyến bay và tàu quân sự đến gần các khu vực tranh chấp, Bắc Kinh có thể tìm kiếm một cơ hội khác nhằm tái định hình nhận thức của khu vực về cam kết quân sự của Washington với châu Á.

 

Và với việc nước Mỹ đã mất hơn một thập kỷ lún sâu vào cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq, Bắc Kinh đang toan tính rằng Washington sẽ tìm cách tránh một cuộc xung đột mới ở châu Á, tạo cơ hội cho Trung Quốc khẳng định sức mạnh và ảnh hưởng của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục