Trung Quốc và lộ trình phát triển kinh tế hậu đại dịch COVID-19

Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc đã đề ra những ưu tiên kinh tế và khuôn khổ chính sách của nước này trong năm 2021.
Trung Quốc và lộ trình phát triển kinh tế hậu đại dịch COVID-19 ảnh 1Công nhân làm việc bên trong một nhà máy ở Du Bắc, tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng thediplomat.com, Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc đã đề ra những ưu tiên kinh tế và khuôn khổ chính sách của nước này trong năm 2021.

Hội nghị này được thừa nhận rộng rãi là cuộc họp cấp cao nhất về vấn đề kinh tế trong nước và các lĩnh vực tài chính-ngân hàng của Trung Quốc. Vì vậy, việc phân tích và đánh giá thông cáo của hội nghị là đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá những thành tựu mà Trung Quốc đạt được trong năm 2020 và dự đoán đường hướng phát triển kinh tế của gã khổng lồ châu Á này trong năm 2021, nhất là sau một năm 2020 đầy hỗn loạn chưa có tiền lệ.

Hội nghị năm nay đã đề ra 8 nhiệm vụ chính cho năm 2021, song bài viết này chỉ tập trung vào 3 vấn đề cốt lõi.

Thứ nhất, viễn cảnh kinh tế của Trung Quốc cũng như của thế giới không chắc chắn nên chính quyền Bắc Kinh đã thu hẹp các chính sách kích thích kinh tế. Theo hãng tin Reuters, Trung Quốc vẫn đạt tăng trưởng kinh tế cao hơn so với các nước khác trong năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, nước này vẫn tỏ ra thận trọng về viễn cảnh kinh tế thế giới cũng như về các chính sách được đề cập trong thông cáo này khi những mục tiêu và kế hoạch của hội nghị nhuốm màu bi quan.

Một lần nữa, giới hoạch định chính sách lại không đề cập đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế cụ thể bằng con số, thừa nhận tình trạng bất ổn vẫn kéo dài và Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro vào năm 2021.

Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ có những bước đi thận trọng trong việc triển khai các chính sách kích thích kinh tế. Vì vậy, thị trường chứng khoán trong đà tăng giá như đã từng diễn ra hồi tháng 7/2020 sẽ khó có thể lặp lại vào năm 2021.

[Chính sách quyết định thành bại chiến lược kinh tế mới của Trung Quốc]

Để hạ thấp tầm quan trọng của chính sách nới lỏng tín dụng và nới lỏng tài khóa do giới hoạch định chính sách ngày càng lo ngại về mức nợ công và tăng khả năng đòn bẩy của ngành tài chính, Bắc Kinh sẽ thu hẹp nỗ lực trong năm 2021 trong việc cam kết tạo ra đủ tính thanh khoản trên thị trường tài chính.

Điều này cũng được chứng minh qua việc Bộ chính trị cũng ngày càng hạ giọng về nỗ lực triển khai các chính sách cho năm tới. Mặc dù vậy, người ta cho rằng Bắc Kinh sẽ dần dần từng bước áp dụng chính sách thắt chặt tài chính do giới lãnh đạo chóp bu đã cam kết không để nền kinh tế tăng trưởng theo mô hình chữ "U."

Thứ hai, Trung Quốc kêu gọi cải cách trọng cầu. Tại hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố chính sách cải cách trọng cung, song chính sách này đã nhanh chóng trở thành một trong những chương trình nghị sự kinh tế bao trùm trong nhiệm kỳ của ông.

Chính sách cải cách này đã phơi bày vấn đề "dư cung" và trở thành vấn đề được giới hoạch định chính sách quan tâm vì Bắc Kinh nhận ra rằng họ khó có thể tiếp tục duy trì mô hình kinh tế này. Vì vậy, hội nghị năm nay đặt ra trọng tâm mới đối với cải cách trọng cầu.

Mặc dù chính quyền trung ương Bắc Kinh dự kiến sẽ không tung ra các chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2021, song chính sách cải cách này cho thấy tầm quan trọng cốt yếu của việc làm hồi sinh nền kinh tế.

Chính sách cải cách hướng về nguồn cầu này gợi nhớ về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008, thời điểm mà Thủ tướng khi đó là Ôn Gia Bảo nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, sự khác biệt so với lời kêu gọi của Thủ tướng Ôn khi đó là giờ đây Trung Quốc nhấn mạnh vào tính bền vững và chất lượng của việc chú trọng vào nhu cầu. Theo đó, tại hội nghị năm nay, Bắc Kinh tuyên bố sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, tối đa hóa phân phối thu nhập và mở rộng tầng lớp trung lưu.

Đồng thời, chính phủ lưu ý rằng cải cách trọng cầu phải tạo cơ sở thực tế cho cải cách trọng cung (như cách nói của Tân Hoa xã là "cầu dẫn đường cung").

Điều này đồng nghĩa với việc Bắc Kinh thừa nhận vấn đề sản xuất dư thừa vẫn chưa được giải quyết triệt để và hy vọng nguồn cung và nhu cầu thực tế trong nước sẽ tương xứng trong tương lai.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, hội nghị năm nay thể hiện việc thực thi nghiêm ngặt các quy định tài chính. Trung Quốc đã thực hiện các bước cụ thể để mở cửa thị trường tài chính của mình và là một thị trường hấp dẫn, song thị trường này còn chưa phát triển đầy đủ và vẫn còn mang tính đầu cơ và bắt chẹt đối thủ bằng các quy định khắt khe.

Ví dụ, hồi tháng 4, Luckin Coffee, thương hiệu chuỗi cà phê mới nổi của Trung Quốc bị phát hiện đã thổi phồng doanh số bán hàng của mình trong năm 2019 nhằm “giả mạo là họ đã đạt được tăng trưởng nhanh chóng.”

Vụ bê bối càphê Luckin làm bẽ mặt Bắc Kinh vì nước này mất thêm một con bài mặc cả đối với Washington trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Vì vậy, tại hội nghị lần này, chính phủ tuyên bố sẽ thắt chặt các nỗ lực quản lý các tổ chức tài chính và các công ty niêm yết, đồng thời trấn áp mọi hành vi trốn nợ.

Ngoài việc tháo gỡ đòn bẩy tài chính, Trung Quốc cũng bắt đầu hướng đến xử lý vấn đề độc quyền để kiểm soát vốn. Trước khi diễn ra hội nghị năm nay, Tổng Cục Quản lý và Giám sát Thị trường của Trung Quốc đã phạt Alibaba và Tencent, hai "gã khổng lồ" công nghệ của Trung Quốc.

Sau đó, Bắc Kinh tái khẳng định quyết tâm ngăn chặn tình trạng “mở rộng vốn một cách mất trật tự” tại kỳ họp lần này. Lý do là Trung Quốc cho rằng các công ty công nghệ lớn kìm hãm sự cạnh tranh và nền kinh tế Trung Quốc, trong khi các công ty nhỏ có thể tìm kiếm nguồn tài chính từ các kênh không minh bạch (tức là ngân hàng ngầm) để mở rộng hoạt động nhằm thu được những “lợi ích từ chính sách”. (Chính phủ cam kết sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các công ty công nghệ tại hội nghị năm nay).

Sự phát triển nở rộ không được kiểm soát của ngành công nghệ tài chính sẽ giáng một cú đòn mạnh vào chiến dịch tháo gỡ đòn bẩy tài chính của Bắc Kinh.

Năm 2020, Trung Quốc đã đạt được những bước tiến lớn trong việc phục hồi kinh tế và mở cửa thị trường tài chính. Tuy nhiên, đại dịch vẫn tiếp diễn và đặt ra những thách thức cho toàn thế giới.

Vì vậy, Trung Quốc cần phải điều chỉnh theo tình hình “bình thường mới.” Cách thức Bắc Kinh quản lý sự phục hồi kinh tế sau đại dịch sẽ cần phải chờ những kết quả đánh giá và phân tích của các nhà quan sát Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục