Trung tâm Hành động Bom mìn ASEAN ra mắt Cơ chế FOA

Hiện nay, có hơn 50 các cơ quan, tổ chức gồm đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế và trong nước tại Campuchia, và một số doanh nghiệp đã đồng ý trở thành những người bạn của ARMAC.
Trung tâm Hành động Bom mìn ASEAN ra mắt Cơ chế FOA ảnh 1Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Prak Sokhonn chụp ảnh cùng các thành viên ARMAC. (Ảnh: Nguyễn Vũ Hùng/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, chiều 23/9, Trung tâm Hành động Bom mìn ASEAN (ARMAC) phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam cùng Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia tổ chức Lễ ra mắt cơ chế Những người bạn của ARMAC (FOA) bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Khoảng 120 đại biểu tham dự trực tuyến và trực tiếp sự kiện tại Đại sứ quán Việt Nam ở Phnom Penh, trong đó có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Prak Sokhonn; Bộ trưởng Cao cấp, Phó Chủ tịch thứ nhất Cơ quan Hỗ trợ và Hành động Bom mìn Campuchia (CMAA) Ly Thuch, Đại sứ các nước ASEAN, Australia, Mỹ, Nhật Bản, Thổ Nhỹ Kỳ, Cuba, Hàn Quốc, Nga tại Campuchia; Đại biện lâm thời Anh và đại diện một số doanh nghiệp Việt Nam.
 FOA là ý tưởng của Việt Nam do nguyên Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh đề xuất khi làm Chủ tịch Ban Điều hành ARMAC năm 2020 nhằm mục đích tăng cường hình ảnh và danh tiếng cho ARMAC, thu hút thêm nguồn lực cho hoạt động của ARMAC trong tương lai.

Hiện nay, có hơn 50 các cơ quan, tổ chức gồm đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế và trong nước tại Campuchia, và một số doanh nghiệp đã đồng ý trở thành những người bạn của ARMAC, trong đó có các doanh nghiệp của Việt Nam. 

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Prak Sokhonn đánh giá cao ý tưởng mở rộng và tăng cường năng lực đóng góp của tất cả các nguồn cho hoạt động nhân đạo về bom mìn và các vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Ông cho rằng sự kiện này sẽ là nền tảng thường xuyên để thu hút và kết nối sự tham gia của các bên quan tâm, trong đó có những người bạn của ASEAN, khu vực tư nhân, cũng như các tổ chức quốc tế cộng tác với ARMAC.

[Cuộc họp Ban chỉ đạo ARMAC 14 đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam]

Là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bom mìn và các vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, phía Việt Nam đánh giá cao sự đóng góp của ARMAC vì mục tiêu một khu vực ASEAN nói riêng và thế giới nói chung không có bom mìn trong tương lai.

Mục tiêu này đòi hỏi thời gian, nguồn lực lớn và nỗ lực không ngừng nghỉ, vì vậy việc tìm thêm các đối tác cả ở khu vực công và khu vực tư chung tay sẽ góp phần thúc đẩy ARMAC tiếp tục phát triển và hoàn thành sứ mệnh.

Trên cơ sở này, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia Lại Xuân Chiến cho biết phía Việt Nam bước đầu đã khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia tham gia đóng góp vào nỗ lực chung của ARMAC…

Ra đời năm 2012, ARMAC là một tổ chức của ASEAN, được thành lập theo sáng kiến của Campuchia với mục đích giáo dục cộng đồng và nâng cao nhận thức chung của người dân về tác hại của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh và hỗ trợ các nạn nhân. 

Năm 2020, Việt Nam đã đóng góp 10.000 USD cho hoạt động của ARMAC. ARMAC đã tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN và với những cơ quan hữu quan để  thúc đẩy hỗ trợ thích đáng về mặt y tế và phục hồi cho các nạn nhân của vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh theo đề xuất của những nước ASEAN bị ảnh hưởng bởi tình trạng này, cũng như hỗ trợ nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm về các ảnh hưởng của vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục