Trung và Đông Âu có thể mong đợi gì từ tân chủ tịch EC?

Khác với Chủ tịch EC sắp mãn nhiệm Jean-Claude Juncker, bà Ursula von der Leyen đã nhận được sự ủng hộ của tất cả những người đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước thành viên EU.
Trung và Đông Âu có thể mong đợi gì từ tân chủ tịch EC? ảnh 1Chủ tịch Nghị viện châu Âu David-Maria Sassoli (trái) chúc mừng tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (phải) vừa đắc cử tại trụ sở Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp ngày 16/7/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng emerging-europe.com mới đây đăng bài viết với tiêu đề “Các nước Trung và Đông Âu có thể mong đợi gì từ tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen,” trong đó nhận định rằng các kế hoạch và chương trình nghị sự EC của tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu dường như phù hợp với lợi ích của các nước Trung và Đông Âu (CEE), song việc triển khai trên thực tế sẽ phụ thuộc chủ yếu vào mức độ ủng hộ của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu.

Theo bài viết, nữ Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen, người của Đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Đức, có mối quan hệ gần gũi với Thủ tướng Đức Angela Markel, đã được đề cử vào vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) sau khi Nhóm Visegrad (gồm 4 nước: Séc, Slovakia, Ba Lan và Hungary) kịch liệt phản đối việc đề cử các ứng cử viên của các nhóm đảng lớn nhất tại Nghị viện châu Âu là ông Frans Timmermans của nhóm Đảng Dân chủ Xã hội (S&D) và ông Manfred Weber của nhóm Đảng Nhân dân châu Âu (EPP).

Khác với Chủ tịch EC sắp mãn nhiệm Jean-Claude Juncker, bà Ursula von der Leyen đã nhận được sự ủng hộ của tất cả những người đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước thành viên EU.

Đáng chú ý, tất cả lãnh đạo các nước CEE là thành viên EU đều bày tỏ thái độ lạc quan đối với tân Chủ tịch EC.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nhiệm kỳ Chủ tịch EC của bà Ursula von der Leyen thực sự sẽ mang lại điều gì cho khu vực CEE.

Thúc đẩy hội nhập, nhưng “theo nhịp độ của người Đức”

Bà Leyen thuộc phe cấp tiến của Đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo của Đức, có quan điểm ủng hộ thúc đẩy hội nhập EU theo hướng xây dựng Liên hiệp các quốc gia châu Âu (hội nhập theo chủ nghĩa liên bang - khái niệm hội nhập EU mà hầu hết lãnh đạo các nước CEE đều cảnh giác).

Theo giới quan sát, EU sẽ không đi theo con đường như vậy trong những năm tới.

[Gian nan với Chủ tịch EC sắp tới khi đặt cược sinh mạng chính trị]

Tuy nhiên, những ai theo đuổi khái niệm một châu Âu của các quốc gia này sẽ theo dõi chặt chẽ các bước đi của tân Chủ tịch EC bởi vì chương trình nghị sự lãnh đạo EC của bà Leyen chắc chắn sẽ gây ra những xung đột lợi ích đối với các nước CEE trong EU.

Khi thảo luận về những ưu tiên trong phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu ngày 16/7, tân Chủ tịch EC chủ yếu tập trung trình bày về các vấn đề cơ chế mới để giải quyết vấn đề nhập cư với tên gọi “cơ chế chia sẻ gánh nặng,” tăng cường kiểm soát biên giới, đề xuất “Thỏa thuận châu Âu xanh” và chương trình mức lương tối thiểu ở cấp độ EU, làm sâu sắc Liên minh Kinh tế và Tiền tệ, tăng cường an sinh xã hội cũng như thúc đẩy hợp tác quốc phòng của EU.

Kế hoạch hành động này của tân Chủ tịch EC đã nhận được sự ủng hộ của đa số các nghị sỹ trong Nghị viện châu Âu, trong đó có các nghị sỹ châu Âu là đại diện của Đảng Luật pháp và Công lý của Ba Lan (PiS) - lực lượng chủ chốt trong Nhóm Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR) có quan điểm hoài nghi châu Âu - và đại diện của đảng cầm quyền Fidesz của Hungary - đảng đã bị Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) đình chỉ tư cách thành viên.

Chắc chắn, một số chương trình nghị sự của tân Chủ tịch EC sẽ bị các nước Visegrad phản đối, đặc biệt là cơ chế chia sẻ gánh nặng mới trong giải quyết vấn đề nhập cư thay thế cơ chế phân bổ tỵ nạn theo hạn ngạch đã bị thất bại trước đây.

Hơn nữa, mục tiêu không phát thải carbon của tân Chủ tịch EC có thể gây phiền toái đối với Ba Lan và Séc, vì chính phủ hai nước này không ủng hộ Chiến lược hành động biến đổi khí hậu năm 2050 của EU.

Không phải tất cả các kế hoạch của tân Chủ tịch EC đều gây mâu thuẫn lợi ích đối với chính phủ của các nước CEE.

Phát biểu trước Nghị viện châu Âu, tân Chủ tịch EC đã tái khẳng định quan điểm của EU đánh giá cao nỗ lực cải cách của các nước vùng Tây Balkan, đồng thời cho biết sẵn sàng bắt đầu đàm phán gia nhập EU đối với Bắc Macedonia và Albania ngay sau khi được sự đồng ý của Hội đồng châu Âu.

Tuy nhiên, cách tiếp cận của tân Chủ tịch EC đối với khu vực Tây Balkan sẽ gặp phải rào cản, bởi vì tân Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU Josep Borrell đến từ một nước không chính thức công nhận Kosovo (ông nguyên là Ngoại trưởng Tây Ban Nha).

Thực tế, việc tân Chủ tịch EC có mối quan hệ gần gũi với Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng có thể là tín hiệu tốt đối với những người có quan điểm phản đối chủ nghĩa liên bang.

Quan điểm của Chính phủ Đức là thúc đẩy hội nhập EU một cách từ từ, song đảm bảo tính liên tục theo hướng tăng cường sự gắn kết hơn giữa các nước thành viên EU và sớm loại bỏ những chính sách cải cách EU cực đoan.

Những công cụ mới để bảo vệ luật pháp

Nhập cư được dự đoán không phải là vấn đề duy nhất mà tân Chủ tịch EC vấp phải sự phản đối từ các nước CEE.

Theo bà Leyen, sẽ không thể có sự thỏa hiệp về vấn đề tôn trọng pháp luật và EC sẽ tăng cường cơ chế luật pháp.

Với kế hoạch hành động cho 5 năm tới của tân Chủ tịch EC như vậy, câu hỏi đặt ra là tại sao những lãnh đạo dân túy các nước CEE lại ủng hộ bà Leyen ngay cả khi bà đề ra chương trình nghị sự của EU thậm chí mang tính chất liên bang hơn ông Timmermans?

Câu trả lời là dưới góc độ chính trị, có thể lãnh đạo các nước CEE không có sự lựa chọn nào khác khi Hội đồng châu Âu đã loại bỏ hai ứng cử viên Timmermans và Weber.

Tuy nhiên, thực tế là lãnh đạo các nước CEE đã không đủ khả năng để có thể thúc đẩy việc đề cử ứng cử viên của khu vực mình.

Thay vào đó, họ quyết định đi theo dòng chảy chính trị và ca ngợi thắng lợi của bà Leyen như là thắng lợi của riêng mình.

Ngày 17/7, ông Timmermans - Phó Chủ tịch EC phụ trách tư pháp - đã công bố những biện pháp mới nhất của EU để bảo vệ việc thực thi các quy định của pháp luật, trong đó có cơ chế giám sát thường niên của EU và tăng cường cung cấp kinh phí cho các sáng kiến thúc đẩy xã hội dân sự.

Điều này sẽ khiến các quy định của pháp luật trở thành vấn đề hàng đầu mà tân Chủ tịch EC đưa ra thảo luận trong chương trình nghị sự của EU.

Lãnh đạo Hungary và Ba Lan đang mất dần sức ảnh hưởng

Việc các nước CEE bị mất ảnh hưởng ở cấp độ EU đã trở nên rõ ràng, bởi vì không một lãnh đạo nào của khu vực này được đề cử vào 5 vị trí quan trọng hàng đầu của EU.

Trung và Đông Âu có thể mong đợi gì từ tân chủ tịch EC? ảnh 2Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của Liên minh châu Âu tại Brussels, Bỉ. (Nguồn: THX/TTXVN)

Dưới góc độ luật pháp, một dấu hiệu khác khiến các nhà lãnh đạo dân túy của các nước CEE quan ngại đó là việc ông Timmermans có thể vẫn tiếp tục đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch EC phụ trách tư pháp và tiếp tục gây sức ép mạnh mẽ đối với Thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczýnski và Thủ tướng Hungary Viktor Orbán liên quan đến chính sách đi ngược lại giá trị dân chủ của hai nước thành viên EU này.

Theo các nguồn tin trong giới ngoại giao ở Brussels, CEE có thể giành được vị trí Phó Chủ tịch EC. Hiện Ba Lan và Hungary đang nỗ lực giành vị trí này. Tuy nhiên, nhiều khả năng vị trí này sẽ dành cho một nước Baltic hoặc Slovakia.

Ngoài ra, chỉ 2 trong 5 ứng cử viên của đảng cầm quyền Hungary được khẳng định sẽ đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch tại các ủy ban của Nghị viện châu Âu.

Vai trò của những lãnh đạo có ảnh hưởng thực sự của EU

Diễn biến trong quan hệ giữa các nước CEE là thành viên EU và các thể chế EU chủ yếu phụ thuộc vào các vị trí còn lại trong EC, Nghị viện châu Âu và quan trọng nhất là Hội đồng châu Âu.

Bà Leyen trở thành tân Chủ tịch EC bởi vì bà đã dành nhiều cam kết đối với các nhóm Đảng Xã hội, Đảng Tự do và Đảng Xanh trong Nghị viện châu Âu. Do đó, bất cứ đề xuất nào mà tân Chủ tịch EC khởi xướng sẽ phụ thuộc vào chủ thể mà bà sẽ liên minh.

Trong những năm qua, EC ngày càng mang tính biểu tượng hơn (chủ yếu là cơ quan thực thi), trong khi sức mạnh chủ yếu của EU vẫn nằm trong tay của những người đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước thành viên EU.

Điều đó có nghĩa là những gì mà EC có thể khởi xướng sẽ phụ thuộc nhiều vào Hội đồng châu Âu, đặc biệt là tiến trình hội nhập đối với các nước Tây Balkan hay vấn đề mở cửa biên giới Schengen đối với Rumania và Bulgaria.

Bài viết kết luận rằng tân Chủ tịch EC Leyen có thể sẽ có cách tiếp cận mềm mỏng hơn đối với các nước CEE khi bà cho biết sẵn sàng đối thoại với những nước này.

Tuy nhiên, tân Chủ tịch EC khó có thể thỏa hiệp với lãnh đạo các nước CEE, nhất là những nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa phi tự do đang lợi dụng giá trị của EU.

Họ đang mất dần sức ảnh hưởng ở EU và đối mặt với những biện pháp cứng rắn hơn của EU khi khối này trở nên mạnh mẽ hơn dưới nhiệm kỳ của tân chủ tịch Ursula von der Leyen./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục