Trường ĐH FPT lập khoa Vi mạch Bán dẫn, dự kiến tuyển sinh từ 2024

Trường Đại học FPT cho biết chương trình, giáo trình, chuẩn đào tạo được trường dự kiến kết hợp với các đại học hàng đầu về lĩnh vực này tại Mỹ và Đài Loan.
Trường ĐH FPT lập khoa Vi mạch Bán dẫn, dự kiến tuyển sinh từ 2024 ảnh 1Dự kiến Khoa Vi mạch và Bán dẫn của Trường ĐH FPT sẽ chính thức đào tạo lứa học viên, sinh viên đầu tiên vào năm 2024. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chiều nay, 7/9, Trường ĐH FPT cho biết đơn vị này vừa kết hợp với Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) thành lập Khoa Vi mạch Bán dẫn nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành này và thực hiện các nghiên cứu về vi mạch và bán dẫn, tham gia nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trong lĩnh vực này. 

Dự kiến, Khoa Vi mạch và Bán dẫn của Trường Đại học FPT sẽ chính thức đào tạo lứa học viên, sinh viên đầu tiên vào năm 2024, với định hướng đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch và thực hiện các nghiên cứu cho ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam.

[Thành phố Hồ Chí Minh ra mắt Trung tâm Điện tử và Vi mạch bán dẫn]

Chương trình, giáo trình và chuẩn đào tạo được Trường Đại học FPT dự kiến kết hợp với các trường đại học hàng đầu về lĩnh vực này tại Mỹ và Đài Loan – là 2 trong số 4 quốc gia và vùng lãnh thổ hàng đầu về chip và bán dẫn toàn cầu (gồm Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc), kết hợp với các cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp này để đào tạo cung cấp  nhiều loại bằng cấp, chứng chỉ - từ các chứng chỉ ngắn hạn 6 tháng đến 2 năm, tới các chương trình đào tạo nâng cao, đào tạo văn bằng hai, đào tạo cao đẳng, đại học, sau đại học về vi mạch và bán dẫn. 

Trường ĐH FPT lập khoa Vi mạch Bán dẫn, dự kiến tuyển sinh từ 2024 ảnh 2Trường Đại học FPT đặt mục tiêu sinh viên Vi mạch Bán dẫn của Trường ĐH FPT sẽ ra nước ngoài làm việc tại các công ty và thị trường hàng đầu về bán dẫn trên toàn cầu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Là ngành công nghiệp tỷ đô, nhưng bán dẫn đồng thời cũng đang là ngành khát nhân lực trên toàn cầu. “Theo dự đoán của các chuyên gia về nhân lực toàn cầu, tới năm 2030 ngành bán dẫn sẽ thiếu 1 triệu nhân sự. Hiện tại, khi lực lượng nhân sự được đào tạo từ Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc không đáp ứng đủ thì thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam có cơ hội nắm bắt nhu cầu toàn cầu này để vươn lên trong bảng xếp hạng cả về giáo dục ngành lẫn cung ứng nhân sự chất lượng cao của ngành”, ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc Công ty Bán dẫn FPT, đồng thời cũng là người giữ vị trí Quyền trưởng khoa Vi mạch Bán dẫn cho biết.

Tại Việt Nam, trong Nghị quyết 124 NQ/CP kết luận nội dung phiên họp chính phủ thường kỳ tháng Bảy vừa qua, Chính phủ đã giao cho các bộ ngành nhanh chóng xây dựng và triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, trong đó dự kiến đào tạo khoảng 30.000-50.000 nhân lực, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn. 

Trường Đại học FPT cho hay việc mở Khoa Vi mạch Bán dẫn hướng tới đào tạo đông đảo người học là nhu cầu cấp thiết và là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong quy hoạch trọng điểm nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cũng như chuẩn bị sẵn sàng lực lượng nhân sự bán dẫn chất lượng cao cho thị trường toàn cầu. 

“Trường dự kiến phối hợp nguồn lực có sẵn của công ty Bán dẫn FPT và hệ thống công ty thuộc tập đoàn FPT -  trải rộng trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ - để xây dựng mô hình đưa sinh viên tốt nghiệp khoa Vi mạch Bán dẫn ra nước ngoài làm việc tại các công ty và thị trường hàng đầu về bán dẫn trên toàn cầu”, đại diện Đại học FPT nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục